John McCloy – Người định hình nước Đức sau Thế chiến 2

John McCloy là một quan chức cấp cao làm việc tại Bộ Chiến tranh của Mỹ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, song lại bị nghi ngờ có cảm tình sâu sắc với Đức Quốc xã. Sau hơn nửa thế kỷ, bí mật cuối cùng đã được làm sáng tỏ.

Chú thích ảnh
John McCloy, nhân vật có nhiều ảnh hưởng của nước Mỹ thời hậu Thế chiến 2. Ảnh: delphipages

Các hồ sơ mới được giải mật của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vén một bức màn bí mật bấy lâu nay liên quan tới John McCloy, Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ trong Thế chiến II, người được cho là có cảm tình với Đức Quốc xã. Tiết lộ này đã cho thấy chiều sâu quan hệ giữa ông John McCloy và nước Đức, vấn đề gây bao đồn thổi hơn nửa thế kỷ qua.    

McCloy sinh ngày 31/3/1895 tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania (Mỹ). Ông tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm 1921, sau đó hành nghề luật sư ở Phố Wall . Vụ “Tom đen” nổi tiếng, trong đó ông chứng minh rằng các điệp viên Đức đã gây ra vụ nổ tại một nhà máy sản xuất vũ khí của Mỹ, thu hút sự chú ý của Bộ trưởng Chiến tranh Henry L. Stimson, người vào năm 1941 đã thuyết phục Tổng thống Franklin D. Roosevelt bổ nhiệm McCloy làm trợ lý.

John McCloy là một nhân vật cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Mỹ thế kỷ 20, đồng thời là người đóng vai trò lớn trong thời kỳ chiến tranh. Sau chiến tranh, ông tiếp tục giữ các cương vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Đại sứ Mỹ tại Đức, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và làm cố vấn cho tất cả các đời tổng thống Mỹ từ Franklin D. Roosevelt đến Ronald Reagan. Tầm ảnh hưởng của John McCloy chưa bao giờ phải bàn cãi.    

John McCloy làm các công việc liên quan tới lĩnh vực pháp lý cho một số tập đoàn tại Đức giai đoạn trước Thế chiến 2, trong đó có tập đoàn hóa chất khổng lồ IG Farben, vốn nổi tiếng với hoạt động sản xuất Zyklon B, thuốc trừ sâu có thành phần chính là chất cực độc xyanua mà sau này Đức Quốc xã sử dụng trong các trại tập trung Holocaust. Nhiều tài liệu cho thấy bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ mật thiết của McCloy với bộ máy Đức Quốc xã. Mối quan hệ này sâu sắc và gắn kết hơn nhiều so với kiểu quan hệ thương mại thuần túy.     

Giữa tháng 10/1940, một tháng sau khi McCloy được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ, ở giai đoạn Không quân Đức Quốc xã tổng lực ném bom thủ đô London của Anh của hàng đêm, McCloy thông báo cho trụ sở FBI rằng ông quen biết với nhiều quan chức trong Chính phủ Đức Quốc xã, bao gồm cả nhân vật hàng đầu Hermann Goering, người mà McCloy được cho là có “một tình bạn thân thiết”. Chính mối quan hệ cá nhân thân tình này đã khiến nhiều người nghi ngờ McCloy có cảm tình với Đức Quốc xã và việc ông đảm nhiệm một vị trí quan trọng trong bộ máy chiến tranh của Mỹ ở thời điểm đó là không phù hợp. Tuy nhiên, tất cả chỉ có vậy, McCloy đã đi hết cuộc Thế chiến 2 mà không gặp phải khúc mắc gì.             

Một trong những quyết định có ý nghĩa sống còn đầu tiên của mình thời chiến đó là ông McCloy đã cứu thành phố lịch sử Rothenburg der Tauber khỏi một cuộc tấn công hủy diệt, vốn đã được quân đội Mỹ lên kế hoạch. Ở thời điểm Đức Quốc xã đang thất thế và tử thủ bên trong những bức tường kiên cố của đô thị thời trung cổ này, ông McCloy tin rằng có thể thuyết phục quân Đức đầu hàng mà không phải ném bom hủy diệt. Giới lãnh đạo quân sự Mỹ có niềm tin vào lập luận này và các cuộc đàm phán được khởi động ngay lập tức. Sau đó, Rothenburg der Tauber đầu hàng mà tránh phải phải đổ máu. Ông McCloy được vinh danh là người bảo trợ và trở thành công dân danh dự của Rothenburg.    

Chú thích ảnh
John McCloy (giữa) tại Hội nghị Potsdam cùng với Tướng Patton (trái). Ảnh: historyhit.com

McCloy từng nói về nhiệm kỳ của mình, kéo dài từ tháng 9/1949 đến tháng 8/1952 như thế này: "Tôi có quyền lực của một nhà độc tài”. Ông đã “khoan hồng” cho hàng chục phần tử tội phạm ác chiến tranh của Đức Quốc xã, trả tự do hoặc giảm án cho hầu hết các lãnh đạo của lực lượng SS khét tiếng, dù biết rõ các tội ác kinh hoàng của chúng. McCloy chỉ thực hiện 5 trong số 15 bản án tử hình được tuyên tại các phiên tòa ở Nuremberg. Đến năm 1951, tất cả phạm nhân phạm tội ác chiến tranh đều được trả tự do. Một nhân vật nổi tiếng là nhà công nghiệp người Đức Alfried Krupp, kẻ bị kết án 12 năm tù vì tội ác chống lại loài người do cách đối sử như diệt chủng đối với người lao động trong các nhà máy của y, cũng được ân xá.    

Dấu ấn của John McCloy thể hiện ngay từ khi Thế chiến II kết thúc và ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Đức, cương vị có tầm ảnh hưởng bao trùm đối với nước Đức thua trận ở thời điểm đó. McCloy có niềm tin vững chắc rằng nước Đức một ngày nào đó sẽ tiếp tục vai trò là một cường quốc châu Âu nếu được quản trị chính sách phù hợp và nước Đức mới có thể phát triển mạnh mẽ trong thế giới phương Tây. McCloy đã nhanh chóng bắt đầu đưa tầm nhìn của mình vào hành động.  

Với hiểu biết sâu sắc về chính trị và quan hệ Mỹ - Đức, McCloy từng bước giúp Đức vượt qua kỷ nguyên mới của hòa giải và tái thiết, thúc đẩy mối quan hệ quan trọng với Pháp và các nước Tây Âu, và tất nhiên là cả quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Ông xây dựng mối quan hệ công việc tốt đẹp với các nhà lãnh đạo Đức thời hậu chiến, trong đó có Thủ tướng Konrad Adenauer và Kurt Schumacher, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội. Quan trọng hơn, cùng với người bạn thân Jean Monnet, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Pháp, McCloy đã khuyến khích nước Đức tái hòa nhập với phương Tây, gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ 1 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc.

McCloy được đánh giá là người đóng vai trò quyết định khi thuyết phục giới lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ “Kế hoạch Marshall” và “Kế hoạch Schuman”, dẫn đến sự ra đời của tổ chức Cộng đồng Than và Thép châu Âu, Cộng đồng Kinh tế châu Âu và cuối cùng là Liên minh châu Âu (EU), mà hiện nay Đức chính là nền kinh tế lớn nhất khối. McCloy đã sử dụng quyền lực gần như độc tài của mình để thúc đẩy sự phát triển của nền dân chủ Đức và trẻ hóa nền kinh tế nước này.

Chú thích ảnh
John McCloy tới Sân bay Gatow Airport tại Berlin, Đức, tháng 7/1945. Ảnh: commons.wikimedia

Với người Đức, McCloy có công lớn khi đặt nền tảng cho các mối quan hệ "bình thường" hơn, mà sau này các Chính phủ Đức có chủ quyền đều kế thừa. Tháng 5/1949, Hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Đức được thông qua. Tháng 9 cùng năm, Theodor Heuss được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức và Konrad Adenauer được bầu làm Thủ tướng. Trong đêm thắng cử, Konrad Adenauer đã gọi điện cho McCloy để tham vấn các ưu tiên chính sách. "Nối lại quan hệ với Pháp" - đó là câu trả lời của McCloy. Và Đức – Pháp đã đặt nền móng cho một trong những mối quan hệ chủ đạo của châu Âu thời hậu chiến.    

Về kinh tế, Kế hoạch Morgenthau bị gạt sang một bên. McCloy, vốn là một người thực dụng, đã từng bước thay đổi cách tiếp cận của Mỹ, theo hướng cứu trợ trực tiếp và tái thiết thiệt hại chiến tranh nhường chỗ cho mục tiêu xây dựng lại nền kinh tế Đức, một yếu tố quan trọng trong sự phục hồi của Tây Âu theo tinh thần của đại Kế hoạch Marshall.

Văn hóa và giáo dục cũng là lĩnh vực ghi dấu ấn McCloy. McCloy đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập một loạt hỗ trợ giáo dục và học bổng cho người Đức và người Mỹ, đồng thời đặt nền tảng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa Đức và Mỹ trong nhiều thập kỷ. Chúng bao gồm các chương trình học bổng học thuật với các trường Đại học danh tiếng như Harvard và Columbia; các khoản tài trợ chuyên ngành tại Hội đồng Mỹ-Đức.    

Năm 1953, McCloy trở về với cuộc sống riêng tư. Ông từng là cố vấn cho các Tổng thống Eisenhower, F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, và có nhiều năm là thành viên quản trị của Hội đồng Mỹ - Đức. John McCloy qua đời năm 1989, ngay trước thềm sinh nhật lần thứ 94 của mình.   

Thanh Tuấn/Báo Tin tức (acgusa.org, usembassy.de)
Phát xít Đức từng tới Tây Tạng để tìm hiểu nguồn gốc chủng tộc thượng đẳng
Phát xít Đức từng tới Tây Tạng để tìm hiểu nguồn gốc chủng tộc thượng đẳng

Năm 1938, Heinrich Himmler-thành viên cấp cao của Phát xít Đức đồng thời là kiến trúc sư trưởng của thảm họa diệt chủng Holocaust- đã cử 5 nhân viên đến Tây Tạng. Chưa đầy 1 năm trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, nhóm người Đức đã bí mật đến biên giới phía Đông của Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN