Cuộc phiêu lưu của nữ phóng viên điều tra tiên phong làng báo - Kỳ cuối

Sự dấn thân và lòng dũng cảm đã giúp Nellie Bly hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà báo - người phụng sự công chúng. Bà trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng mở ra kỷ nguyên của báo chí điều tra.

Chú thích ảnh
Phóng viên điều tra tiên phong người Mỹ, Nellie Bly.

MƯỜI NGÀY TRONG NGÔI NHÀ ĐIÊN

Trong thời gian ở lại đảo Blackwell, Bly đã trải nghiệm những điều kiện sống rất tồi tệ. Bà và những bệnh nhân khác chỉ nhận được những khẩu phần ăn ít ỏi khiến họ luôn đói. Họ cũng thường xuyên phải chịu đựng cái lạnh tê tái vì máy sưởi không được bật cho đến tận tháng 10. Các bồn tắm cũng lạnh như băng và nước tắm không được thay dù bệnh nhân chỉ được tắm mỗi tuần một lần. Khăn trải giường và quần áo chỉ được thay mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, bệnh nhân được thay quần áo mới nếu họ có khách đến thăm để làm ra vẻ như bệnh viện được quản lý tốt.

Sau mười ngày đêm trong trại tâm thần, Bly thu thập rất nhiều thông tin để chứng thực những câu chuyện về việc bệnh nhân bị trói buộc, đánh đập là hoàn toàn có thật. Họ còn bị bắt ăn thức ăn ôi thiu, bánh mì cứng như đá và uống nước bẩn. Những căn phòng ở tràn ngập chất thải và gián, chuột, y tá thì hợm hĩnh và bạo lực. 

Nellie Bly cũng phát hiện ra rằng, đa số phụ nữ được đưa tới đây không hoàn toàn bị điên. Nhiều người bị tống vào trại chỉ bởi vì họ quá nghèo hay không nói tốt tiếng Anh. Nellie kể rằng nhiều bệnh nhân cũng tìm cách thoát ra bằng cách nói với những người đến thăm việc họ bị đánh đập, bạo hành. Tuy nhiên, các bác sĩ không tin họ và nói họ bị điên.

Sau khi rời đảo Blackwell, Nellie Bly được triệu tập làm chứng trước một đại bồi thẩm đoàn như một phần của cuộc điều tra về trại tâm thần. Loạt bài điều tra của bà cuối cùng đã dẫn đến quyết định của thành phố New York phân bổ thêm 1 triệu USD mỗi năm cho quỹ chăm sóc người mất trí và bệnh viện Đảo Blackwell phải chấn chỉnh lại hoạt động quản lý.

Chú thích ảnh
Bệnh viện tâm thần trên đảo Blackwell, nơi Nellie Bly đã giả điên để thâm nhập, điều tra. Ảnh: The Collector

Sau loạt bài thành công, Nellie Bly tiếp tục dấn thân hơn trong công việc mà bà xem là sứ mạng cuộc đời. Bà tiếp tục tố cáo những "căn bệnh" của xã hội: công nhân bị bóc lột, trẻ em bị bỏ rơi, điều kiện sống của những người giúp việc nhà cho các gia đình giàu có...

Một mình đi vòng quanh thế giới

Kỳ tích tiếp theo của Nellie Bly là vào năm 1889 khi bà xin phép Tổng biên tập về việc thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới trong vòng chưa đầy 80 ngày. Ý tưởng chuyến đi được lấy cảm hứng từ cuốn sách mới xuất bản "80 ngày vòng quanh thế giới" của nhà văn người Pháp Jules Verne. Cuốn tiểu thuyết kể về nhân vật chính hư cấu, Phileas Fogg, trong chuyến đi vòng quanh thế giới. Bà muốn chứng minh rằng, phụ nữ cũng có khả năng vượt những hành trình dài gian nan và bà sẽ phá kỷ lục của Fogg.

Tổng biên tập tờ The World đề xuất rằng một phóng viên nam sẽ đi thay hoặc có một người hộ tống Bly trong chuyến đi đó. Nhưng Bly đáp lại rằng bà có thể bắt đầu chuyến đi cùng lúc với một nam phóng viên của báo khác và sẽ đánh bại luôn anh ta.

Chú thích ảnh
Nellie Bly với chiếc váy nổi tiếng và chiếc túi xách duy nhất, sẵn sàng cho chuyến hành trình vòng quanh thế giới.

Bly nhận tin được phép đi vòng quanh thế giới vào ngày 12/11/1889. Bà chỉ có vài ngày để chuẩn bị và lên kế hoạch cho chuyến phiêu lưu. Nữ phóng viên nhét tất cả những gì có thể vào một chiếc túi xách. Vào ngày 14/11, Bly khởi hành chuyến đi dài gần 45.000 km. Điểm dừng chân đầu tiên của bà là ở London, Anh, nơi bà được hai vợ chồng nhà văn Jules Verne mời đến thăm nhà riêng.

Nellie Bly đã đi qua nhiều quốc gia và thành phố lớn khác nhau trên hành trình dài của mình, trong đó có Port Said, Ai Cập; Penang, Malaysia; Singapore; Hong Kong, Trung Quốc; và San Francisco, Mỹ. Bà liên tục gửi về tòa báo những trải nghiệm trong cuộc phiêu lưu của mình ở mỗi nơi bà đặt chân đến. Công chúng ở Mỹ nhanh chóng quan tâm đến Nellie Bly và bị thu hút bởi những câu chuyện hấp dẫn của bà từ khắp nơi trên thế giới.

Ngày 25/1/1890, Nellie Bly hoàn thành hành trình của mình tại thành phố Jersey, bang New Jersey. Bà mất 72 ngày, 6 giờ và 11 phút để đi vòng quanh thế giới. Một nữ nhà báo khác, Elizabeth Bisland, đã thực hiện thử thách đi vòng quanh thế giới cùng lúc với Bly. Bisland kết thúc chuyến đi của mình trong 76 ngày. Nellie Bly đã phá kỷ lục về thời gian đi vòng quanh thế giới nhanh nhất và thời gian nhanh nhất đi giữa San Francisco và Chicago.

Chú thích ảnh
Trang nhất tờ The World giật dòng tít lớn về sự kiện Nellie Bly lập kỷ lục đi vòng quanh thế giới.

Những cuộc phiêu lưu mới

Nellie Bly từ giã sự nghiệp phóng viên điều tra sau khi kết hôn với nhà công nghiệp triệu phú Robert Seamen ở tuổi 30. Một thập kỷ sau, Seamen qua đời, để lại cho Bly công ty sản xuất Ironclad của ông. Bly cũng là một nữ doanh nhân thành đạt, được cấp bằng sáng chế cho một số phát minh và bà luôn cung cấp cho nhân viên của mình một môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, do không có kỹ năng xử lý tài chính doanh nghiệp, cuối cùng Bly đã bị phá sản sau những cáo buộc gian lận nhằm vào công ty.

Năm 1911, Bly quay lại điều tra báo chí, đưa tin về Cuộc tuần hành vì quyền bầu cử của phụ nữ năm 1913 ở Washington DC. Bà còn đến châu Âu để đưa tin về Thế chiến thứ nhất, trên Mặt trận phía Đông.

Ngày 27/1/1922, Nellie Bly qua đời vì bệnh viêm phổi. Vài ngày trước khi chết, bà đã thốt ra một câu phản ánh trung thực và ý nghĩa nhất về bản chất của nghề mà bà xem như là sứ mạng cuộc đời: "Tôi chưa bao giờ viết một từ không xuất phát từ trái tim mình". Bà đã luôn xác định viết báo không chỉ nhằm mục đích thông tin, mà còn đảm nhận một sứ mệnh đạo đức, mang lại ích lợi và bảo vệ phẩm giá con người.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ATI)
Cuộc phiêu lưu của nữ phóng viên điều tra tiên phong làng báo- Kỳ 1: Giả điên
Cuộc phiêu lưu của nữ phóng viên điều tra tiên phong làng báo- Kỳ 1: Giả điên

Nellie Bly đã giả điên thâm nhập một trại tâm thần khét tiếng để cho ra đời loạt bài điều tra chấn động vào thế kỷ 19. Bà trở thành người phụ nữ tiên phong của kỷ nguyên báo chí điều tra và cũng là nữ phóng viên đầu tiên đi vòng quanh thế giới một mình để chia sẻ trải nghiệm với độc giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN