Cuộc đời của Vua Bóng đá Pelé

Pelé là cái tên mà không một người hâm mộ bóng đá nào trên thế giới có thể lãng quên. Người đàn ông này được vinh danh là cầu thủ bóng đá giỏi nhất mọi thời đại.

Pelé là ai? 

Chú thích ảnh
Pelé ăn mừng chiến thắng tại trận chung kết World Cup 1958. Ảnh: Getty Images

Huyền thoại bóng đá Pelé đã vươn lên hàng siêu sao sau màn trình diễn tại World Cup năm 1958. Pelé đã thi đấu chuyên nghiệp ở Brazil trong hai thập kỷ, vô địch ba kỳ World Cup trước khi gia nhập New York Cosmos vào những năm cuối sự nghiệp. Được Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ vào năm 1999, ông đã trở thành đại sứ toàn cầu của môn thể thao bóng đá và nhiều hoạt động nhân đạo khác.

Huyền thoại bóng đá mặc áo đấu số 10 của đội tuyển Brazil tên thật là Edson Arantes do Nascimento, chào đời ngày 23/10/1940 tại Brazil. Ông là con đầu lòng của ông João Ramos và bà Dona Celeste. Ông được đặt theo tên của nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison.

Người cha João Ramos, được biết đến nhiều hơn với biệt danh "Dondinho", đã phải vật lộn để kiếm sống bằng nghề cầu thủ bóng đá. Thời thơ ấu, Pelé lớn lên trong cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, ông đã nuôi dưỡng tài năng bằng cách nhét đầy vải vụn vào một chiếc tất, làm thành quả bóng để đá trên đường phố Bauru. Nguồn gốc của biệt danh Pelé không rõ ràng, song ông ấy vẫn nhớ bản thân đã coi thường cái tên này khi bạn bè lần đầu tiên gọi ông như vậy.

Chú thích ảnh
Pelé thực hiện cú tung người móc bóng trong màu cờ sắc áo của đội tuyển Brazil năm 1965. Ảnh: Getty Images

Vươn lên thành ngôi sao trẻ

Mặc dù vẫn gặp khó khăn về tài chính và phải làm nhiều công việc khác nhau để giúp đỡ cho gia đình, chàng trai trẻ Pelé đã tìm thấy tài năng và tình yêu thực sự của mình trên sân cỏ. Dưới sự dạy dỗ của cha và cựu tuyển thủ quốc gia Waldemar de Brito, Pelé dần trưởng thành với tư cách là một cầu thủ của đội trẻ Bauru Athletic Club. 

Không lâu sau đó, huấn luyện viên Waldemar de Brito đã công nhận tài năng mới chớm nở của Pelé và thuyết phục gia đình ông cho phép chàng thiếu niên này rời xa nhà vào năm 15 tuổi để thử sức tại câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Santos do ông dẫn dắt. 

Ban lãnh đạo của đội cũng nhất trí với bản đánh giá của de Brito và ký hợp đồng với Pelé vào tháng 6/1956. Chỉ ba tháng sau đó, Pelé đã ghi bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp chuyên nghiệp trước khi bước sang tuổi 16. Mặc dù bàn thắng khi đó ít được chú ý nhưng lại là lời báo trước rằng thành công sẽ đến trong phần còn lại của sự nghiệp chuyên nghiệp của Pelé. Một năm sau đó, Pelé đứng đầu danh sách vua phá lưới giải đấu và được tuyển vào đổi tuyển quốc gia. 

Chú thích ảnh
Chàng trai Pelé 17 tuổi bật khóc trên vai thủ môn Gilmar sau khi Brazil vô địch World Cup 1958. Ảnh: AFP

Báu vật của quốc gia 

Hiện tượng Pelé chính thức được giới thiệu với thế giới tại giải vô địch bóng đá World Cup 1958 ở Thụy Điển. Thể hiện tốc độ, thể lực và nhãn quan vượt trội, cầu thủ 17 tuổi này đã ghi ba bàn thắng quan trọng trong trận bán kết năm đó, đánh bại Pháp với tỷ số 5 - 2, sau đó ghi thêm hai bàn nữa trong trận chung kết, thắng áp đảo nước chủ nhà với kết quả 5 - 2 để đem về chức vô địch cho Brazil. 

Tại thời điểm này, ông đã đạt được vị thế siêu anh hùng ở Brazil và trở thành một cái tên quen thuộc trên khắp thế giới. Chàng trai này tỏa sáng rực rỡ với vai trò cầu thủ trẻ nhất lập hat-trick (ghi ba bàn thắng liên tiếp trong một trận đấu) và là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong một trận chung kết World Cup.

Chú thích ảnh
Đồng đội nâng Pelé (cầu thủ áo số 10) trên vai sau khi ông ghi bàn thắng thứ 1.000 trong sự nghiệp vào năm 1069. Ảnh: Getty Images

Siêu sao trẻ tuổi người Brazil sau đó đã nhận được những lời đề nghị hấp dẫn để thi đấu cho các câu lạc bộ châu Âu. Đặc biệt, Tổng thống Brazil Janio Quadros đã tuyên bố Pelé là báu vật quốc gia, giúp nâng cao vị thế của ông tại quê nhà. Tuy vậy, điều đó lại khiến ông gặp khó khăn về mặt pháp lý khi thi đấu ở một quốc gia khác. Bất chấp điều đó, quyền sở hữu câu lạc bộ Santos đã đảm bảo việc các ngôi sao ở đó được nhận thù lao hậu hĩnh bằng cách sắp xếp những trận đấu giao hữu béo bở với những đội bóng khác trên khắp thế giới.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc Pelé được ca ngợi sau khi đội Brazil giành chiến thắng tại World Cup 1970. Ảnh: Getty Images

Chật vật vì chấn thương

Ở cấp độ cá nhân, hai kỳ World Cup tiếp theo của Pelé đã diễn ra đáng thất vọng vì gặp phải những chấn thương nghiêm trọng. Chấn thương háng của siêu sao này đã trở nặng trong hai trận đấu diễn ra tại World Cup 1962 ở Chile. Ông phải ngồi ngoài sân ở những vòng đấu cuối cùng trong khi Brazil tiếp tục giành chức vô địch thứ hai liên tiếp. Bốn năm sau, tại Anh, một loạt pha tấn công tàn bạo của các hậu vệ đối phương một lần nữa buộc ông phải ngồi ở băng ghế dự bị vì chấn thương ở chân. Brazil đã bị loại khỏi World Cup năm đó sau một vòng đấu.

Bất chấp sự thất vọng trên đấu trường thế giới, Pelé tiếp tục thể hiện xuất sắc trong đội bóng câu lạc bộ Santos của mình. Các đội bóng đã thường xuyên thay đổi lối chơi để đối phó với cầu thủ ghi bàn hàng đầu của Santos. Mặc dù vậy, ông vẫn ghi được 60 bàn thắng trong mùa giải 1964 và 101 bàn thắng vào năm sau đó. Vào cuối những năm 1960, hai phe tham gia cuộc nội chiến Nigeria đã đồng ý ngừng bắn trong 48 giờ để họ có thể xem Pelé thi đấu trong một buổi giao hữu ở Lagos.

Tiếp đến, Giải vô địch bóng đá thế giới 1970 tại Mexico đã đánh dấu thời điểm khải hoàn vinh quang của Pelé cùng đội tuyển Brazil. Dẫn đầu một đội hình đáng gờm, ông đã ghi bốn bàn thắng trong giải đấu, trong đó có một bàn thắng tại trận chung kết giúp Brazil giành chiến thắng 4 - 1 trước Italy.

Chú thích ảnh
Con tem được giới chức Brazil in nhân sự kiện kỷ niệm bàn thắng thứ 1.000 của Vua Bóng đá Pelé năm 1969. Ảnh: Wikipedia

Di sản của Pelé

Vào khoảng năm 1970, Pelé được cho là đã quyết định giã từ sự nghiệp khi đang ở trên đỉnh cao. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã được thuyết phục để chơi thêm một kỳ World Cup cuối cùng cho Brazil ở Mexico. Pelé đã đóng góp vào chức vô địch giải đấu của Brazil với các bàn thắng và một số pha kiến tạo quan trọng, mang về cho mình giải thưởng Quả bóng vàng. Pelé tiếp tục gắn bó với đội tuyển quốc gia Brazil trong khoảng một năm nữa và giải nghệ vào năm 1971.

Ba năm sau đó, ông cũng nói lời tạm biệt với những người hâm mộ của mình tại Santos. Tuy nhiên, những ngày làm cầu thủ của ông vẫn chưa dừng lại. Năm 1975, ông đã được mời trở lại sân cỏ vào năm sau để chơi cho New York Cosmos và giúp thu hút khán giả theo dõi Giải vô địch bóng đá Bắc Mỹ. Ông đã chơi trận cuối cùng của mình tại một cuộc giao hữu giữa New York Cosmos - Santos vào tháng 10/1977 và thi đấu cho cả hai bên. Ông giải nghệ với tổng cộng 1.281 bàn thắng sau 1.363 trận.

Chú thích ảnh
Ông Pelé trên cương vị Bộ trưởng Đặc biệt về Thể thao của Brazil tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Rio de Janeiro năm 1997. Ảnh: US National Archives

Vào thời điểm chính thức nghỉ hưu năm 1977, Pelé đã tích lũy được một loạt kỷ lục dường như không thể phá vỡ. Ông ghi được tổng cộng 1.283 bàn thắng sau 1.363 trận đấu, biến ông trở thành cầu thủ ghi bàn hàng đầu trong lịch sử đội tuyển quốc gia Brazil và lịch sử FIFA. Cũng ấn tượng không kém, ông đã lập được 92 cú hat-trick. Ông cũng lập kỷ lục về số lần vô địch FIFA World Cup nhiều nhất đối với một cá nhân, với ba huy chương của riêng mình. 

Quyết định nghỉ hưu không làm giảm bớt danh tiếng của Pelé trước công chúng. Ông vẫn là một vận động viên được yêu thích, đồng thời hoạt động tích cực trên nhiều đấu trường chuyên nghiệp.

Chú thích ảnh
Các em nhỏ đến thăm Bảo tàng Pelé tại Santos, Brazil. Ảnh: Museu Pelé em Santos

Năm 1978, Pelé được trao Giải thưởng Hòa bình Quốc tế vì những đóng góp của ông cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Ông cũng từng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đặc biệt về Thể thao của Brazil và là đại sứ của Liên hợp quốc về sinh thái và môi trường.

Pelé được FIFA vinh danh là "Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ" vào năm 1999, cùng với cầu thủ người Argentina Diego Maradona. Tuy nhiên, đối với nhiều người, thành tích của Pelé trên sân cỏ sẽ không bao giờ có ai sánh bằng. Trên thực tế, hầu hết các vận động viên vĩ đại trong môn thể thao này đều được so sánh với cầu thủ người Brazil, người đã từng khiến cả thế giới phải dừng mọi hoạt động để theo dõi lối chơi siêu việt của ông. Ông có câu nói nổi tiếng rằng: "Thành công không xảy đến ngẫu nhiên. Đó là sự chăm chỉ, kiên trì, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và hơn hết là yêu thích những gì bạn đang làm hoặc đang học”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Football History/Biography)
Siêu điệp viên tình nguyện đánh cắp tên lửa mới nhất của Mỹ cho Liên Xô
Siêu điệp viên tình nguyện đánh cắp tên lửa mới nhất của Mỹ cho Liên Xô

Trong nỗ lực cứu công ty xây dựng của mình, Manfred Ramminger đã tình nguyện trở thành điệp viên Liên Xô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN