Băng tội phạm khủng bố ngành sản xuất kẹo Nhật Bản - Kỳ cuối

"Người bí ẩn có 21 khuôn mặt” không chỉ dừng lại ở một công ty kẹo mà tiếp tục khủng bố một số công ty kẹo lớn khác ở Nhật Bản, khiến ngành sản xuất bánh kẹo lao đao.

CẢNH SÁT BÓ TAY

Trong các bức thư chúng viết, phương ngữ đều gắn với Osaka - thành phố lớn thứ ba Nhật Bản. So với quy cách chuẩn của tiếng Nhật, tiếng lóng Osaka thường thể hiện sự ấm áp, chân thành và hài hước. Thành phố này nổi tiếng với các vở hài kịch hơn 1.000 năm qua và nhiều diễn viên hài kịch nổi tiếng nhất Nhật Bản đều xuất thân từ Osaka.

Theo nhà nhân loại học Marilyn Ivy, khi viết thư bằng phương ngữ Osaka, băng tội phạm đã biến những lời lẽ đầy sát khí trở thành những câu chữ bông đùa. Nói cách khác, khi người Nhật mở báo ra và đọc lời đe dọa mới nhất của “người bí ẩn có 21 khuôn mặt”, người ta sẽ có cảm giác tại sao lại phải nghiêm trọng như vậy về mấy lời đe dọa bông đùa này.

Kẹo độc đã bị trà trộn vào trong các siêu thị Nhật Bản.

Nhưng dù sao đi chăng nữa, người dân và cảnh sát Nhật vẫn rất lo ngại. Tháng 8/1984, trong một bức thư gửi cho “người hâm mộ của chúng tôi khắp Nhật Bản”, người bí ẩn thông báo rằng sẽ tha cho công ty Ezaki Glico. Chúng viết: “Chủ tịch công ty Glico đã cúi đầu đủ lâu rồi. Chúng tôi sẽ tha cho ông ta”. Bức thư không quên mấy câu đùa cợt: “Trong nhóm của chúng tôi, có một đứa trẻ bốn tuổi, ngày nào nó cũng khóc đòi kẹo Glico... Thật tàn nhẫn khi làm cho đứa trẻ khóc vì nó bị tước mất thứ kẹo nó thích”.

Còn với cảnh sát, băng tội phạm này tiếp tục trêu ngươi: “Cảnh sát đã làm tốt đấy, vẫn quyết tâm điều tra và không từ bỏ”. Cuối cùng, chúng cam kết: “Nhật Bản nóng ẩm khủng khiếp. Vì thế khi xong việc, chúng tôi muốn tới châu Âu - Geneva, Paris, London - chúng tôi sẽ ở một trong những nơi này... Hãy mang theo kẹo Pocky, người bạn của khách du lịch. Những sản phẩm Glico ngon tuyệt. Chúng tôi cũng đang ăn đây. Hẹn gặp lại vào tháng 1 năm tới”.

Tuy nhiên, chúng tái xuất nhanh hơn dự kiến. Tháng 9/1984, chúng gọi điện tới Morinaga, một công ty kẹo lâu đời khác ở Nhật Bản, đòi 400.000 USD. Công ty Morinaga không làm theo yêu cầu. Vì thế ngày 8/10/1984, báo chí Nhật Bản lại nhận được một bức thư khác có nội dung như sau:

“Gửi các bà mẹ khắp Nhật Bản. Vào mùa thu, khi người ta thèm ăn, kẹo thực sự là thứ rất ngon. Khi các bạn nghĩ tới kẹo, cho dù có nói gì đi chăng nữa, các bạn đều nghĩ tới kẹo Morinaga. Chúng tôi đã thêm một vài hương vị đặc biệt. Vị kali xyanua hơi đắng. Nó sẽ không gây sâu răng đâu nên hãy mua kẹo cho con bạn. Chúng tôi đã gắn một lưu ý trên các viên kẹo đắng này rằng nó có chứa độc. Chúng tôi đã đặt 20 hộp trong các cửa hàng từ Hakata tới Tokyo”.

Kẹo caramen sữa của công ty Morinaga.

Ngay lập tức, cảnh sát đã tràn vào các cửa hàng trong và quanh các thành phố Kyoto, Osaka, Kobe và Tokyo, lục soát các kệ hàng tìm kẹo độc. Họ đã phát hiện các hộp kẹo Morinaga nhãn hiệu Choco Balls và Angel Pies được dán thêm nhãn “Nguy hiểm, chứa độc. Bạn sẽ chết nếu ăn thứ này. Người bí ẩn với 21 khuôn mặt”. Lần này, xét nghiệm cho thấy kẹp có chứa xyanua thật. Ngay lập tức, giá mỗi cổ phiếu của Morinaga giảm 22 xu.

Băng tội phạm thề rằng nếu các siêu thị không ngay lập tức tẩy chay kẹo Morinaga, chúng sẽ đặt thêm các hộp kẹo độc nữa và lần này không dán nhãn cảnh báo. Chúng viết: “Mọi thứ sẽ giống như trò săn tìm kho báu”.

Cảnh sát Nhật Bản huy động lực lượng lớn nhất từ trước tới nay. Nhận thấy băng tội phạm có xu hướng hành động vào các ngày thứ 7 và chủ nhật, 40.000 cảnh sát (chiếm 20% toàn bộ lực lượng Nhật Bản) đã bỏ ra vài tuần liền kiểm tra, theo dõi các siêu thị. Họ rà soát các video giám sát từ một siêu thị, trong đó ghi hình một người đàn ông tóc xoăn, đội mũ lưỡi trai, đeo kính đặt một thứ gì đó lên kệ hàng. Họ truy tìm nguồn gốc chiếc máy đánh chữ mà băng tội phạm dùng để gõ nội dung các bức thư. Họ công bố đoạn ghi âm cuộc gọi điện tống tiền công ty Morinaga. Họ thậm chí còn thiết lập một đường dây điện thoại để mọi người có thể gọi vào và nghe giọng của người gọi.

Tuy nhiên, mọi manh mối đều đi vào ngõ cụt và khiến cảnh sát bị mỉa mai thêm. Một bức thư của “người bí ẩn có 21 khuôn mặt” viết: “Không phải người đàn ông trong video là một gã rất đẹp trai sao?” Rồi chúng so sánh vẻ ngoài của người này với một số cảnh sát nổi tiếng ở Nhật Bản. Sau khi cảnh sát thất bại trong truy tìm tung tích của băng tội phạm ở tỉnh Shiga cho dù dùng cả một xe tải đầy trang thiết bị, băng tội phạm lại viết thư tiếp, cam kết: “Các anh sẽ không thể truy tìm ra chúng tôi từ bất kỳ thứ gì chúng tôi để lại”. Chúng tiếp tục đòi tiền từ các công ty sản xuất kẹo: 100 triệu yên từ công ty Fujiya, 50 triệu yên từ Surugaya.

Tháng 8/1985, Shoji Yamamoto, cảnh sát trưởng tỉnh Shiga đã tẩm xăng lên người tự thiêu vì không thể bắt được “người bí ẩn có 21 khuôn mặt”. Sự cố này dường như là quá sốc, ngay cả với băng tội phạm bí ẩn. 5 ngày sau, chúng gửi bức thư cuối cùng: “Ông Yamamoto đã chết như một người đàn ông. Vì thế chúng tôi đã quyết định chia buồn. Chúng tôi đã quyết định quên việc hành hạ các công ty sản xuất thực phẩm... Chúng tôi là những gã tồi. Điều đó nghĩa là chúng tôi có nhiều điều để làm hơn là bắt nạt các công ty. Thật thú vị khi sống một cuộc sống của người xấu. Người bí ẩn với 21 khuôn mặt”. Với bức thư này, bọn chúng biến mất hẳn.

Vài năm sau, cảnh sát Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm thêm manh mối, bắt nghi can. Một số đầu mối dẫn họ tới các băng nhóm Yakuza khét tiếng. Có những đầu mối lại chỉ ra các nhóm cánh tả, cánh hữu cực đoan hay cộng sản Triều Tiên. Tổng cộng, cảnh sát đã điều tra 125.000 người và kiểm tra 28.300 tin báo của người dân. Tuy nhiên, tất cả đều không dẫn tới đâu. Bằng chứng ngoại phạm của tất cả nghi can đều được kiểm tra.

Năm 1995 là năm hết hạn điều tra vụ bắt cóc ông Ezaki. Năm 2000, vụ kẹo độc cũng hết hạn điều tra. Như vậy, “người bí ẩn có 21 khuôn mặt” và tòng phạm không bị cáo buộc tội gì cũng như không bị xét xử. 21 khuôn mặt vẫn bí ẩn và tồn tại trong tâm trí người dân Nhật mỗi khi chạm đến một thanh kẹo Pocky. Chúng có thể là bất kỳ ai, như băng tội phạm từng viết trong một bức thư giữa cơn khủng hoảng: “Chúng tôi là ai? Có khi là một cảnh sát, có khi là một băng đảng bạo lực... Có khi là một công nhân nhà máy, có khi là kẻ bắt cóc. Nhưng danh tính thực của chúng tôi là... người bí ẩn với 21 khuôn mặt”.
Thùy Dương
Băng tội phạm khủng bố ngành sản xuất kẹo Nhật Bản - Kỳ 1
Băng tội phạm khủng bố ngành sản xuất kẹo Nhật Bản - Kỳ 1

Cách đây 30 năm, một nhóm tội phạm có tên “người bí ẩn có 21 khuôn mặt” đã khiến cảnh sát Nhật Bản đau đầu khi chúng bí mật trà trộn kẹo chứa chất độc xyanua vào các siêu thị. Cho đến nay, tung tích của nhóm người này vẫn là một bí ẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN