Đây là cái Tết thứ hai họ phải ăn tết ở Nhật Bản. Mặc dù phải đón Tết ở nơi xứ người nhưng họ vẫn cố gắng duy trì các hoạt động để các con hiểu rõ hơn về các phong tục truyền thống của dân tộc. Nhờ vậy, bầu khí không khí Tết vẫn tràn ngập trong căn nhà nhỏ bé ở vùng ngoại ô thủ đô Tokyo.
Hai ngày trước Tết Nguyên đán, gia đình anh Thịnh mời những người bạn Việt Nam đang sinh sống làm việc ở Tokyo đến tụ họp để gói bánh chưng - một trong những món ăn không thể thiếu trong những ngày tết của người Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Thịnh tâm sự: “Vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình tôi đều thu xếp về Việt Nam để cùng ông bà đón Tết. Tuy nhiên, hai năm gần đây, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi không thể về Việt Nam để ăn Tết cùng gia đình. Năm nay, chúng tôi cũng có thêm một niềm vui nho nhỏ là cả gia đình mới chuyển về căn nhà mới do hai vợ chồng mới mua sau nhiều năm tiết kiệm. Vì thế, chúng tôi đã mời bạn bè đến để cùng nhau đón Tết và chung vui với chúng tôi”.
Theo anh Thịnh, để tạo được không khí đón tết gần gũi nhất với Tết cổ truyền và giúp các con hiểu được các nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, gia đình anh đã chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống như bánh chưng, giò hay mâm ngũ quả và đặc biệt là chuẩn bị cả một cành đào nhỏ như ở Việt Nam.
Mặc dù dịch bệnh nhưng các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn diễn ra một cách bình thường. Nhờ vậy, việc tìm kiếm và mua được các nguyên liệu để gói bánh chưng, trong đó có lá dong hay gạo nếp, ở Nhật Bản không gặp nhiều khó khăn.
Chị Huyền Trang, một bạn trẻ đến từ Tây Mỗ (Hà Nội) có mặt ở nhà anh Thịnh, nhấn mạnh: “Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong tết cổ truyền Việt Nam. Chính vì thế mà ở xa quê nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm nguyên liệu như lá dong, gạo nếp, thịt ba chỉ ngon nhất để cùng nhau tập trung gói bánh chưng. Đây là cách để chúng tôi tận hưởng tết cổ truyền của Việt Nam cũng như là một cách để giáo dục cho con cái hướng về cội nguồn”.
Trong khi đó, chị Lâm Xuân Thanh, người Việt sống ở Tokyo, nói: “Cũng như bao người dân xa xứ khác, đến dịp tết Nguyên đán, gia đình chúng em rất mong muốn được trở về sum họp bên gia đình thân thương của mình, nhưng năm dịch bệnh còn rất phức tạp nên hai vợ chồng quyết định ở lại đất nước Nhật Bản này để ăn tết Nguyên đán. Cũng vì dịch bệnh nên tụi em chỉ có thể tụ tập một ít bạn bè ở đây. Để có được không khí tết đầm ấm, tụi em cũng cố gắng chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét… để cho con cái chúng em, những thế hệ sau hiểu được những nét tốt đẹp của văn hóa Việt Nam”.
Trong không khí se lạnh của tiết trời Tokyo, các gia đình cùng nhau quây quần, vừa gói bánh chưng và bánh tét, vừa chia sẻ những câu chuyện trong một năm sinh sống và làm việc xa quê hương.
Để giữ gìn sức khỏe và bảo vệ gia đình trước sự lây lan của dịch COVID-19, tất cả các gia đình có mặt đều không quên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cơ bản theo khuyến cáo của chính quyền địa phương như đeo khẩu trang, sát khuẩn và xét nghiệm PCR nếu thấy có dấu hiệu bất thường.
Trong bầu không khí ấm áp của tình người, những người con xa xứ lại bồi hồi nhớ về quê hương, đất nước. Họ đều hy vọng ở nơi xa đó, những người thân yêu của mình sẽ tiếp tục vững vàng để vượt qua đại dịch và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới. Chị Phùng Thị Nguyệt nói: “Nhân dịp Năm mới, con chúc gia đình và bố mẹ mạnh khỏe, may mắn, chúc đất nước Việt Nam sẽ vượt qua cơn đại dịch và khôi phục lại các hoạt động bình thường”.
Nhìn lại một năm nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở Nhật Bản, các gia đình trẻ người Việt Nam tại đây đều giữ được tinh thần lạc quan và tin tưởng rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ nhanh chóng qua đi, các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ sớm được khôi phục trong năm 2022 này.