Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tại đầu cầu Việt Nam. Ảnh: Phạm Tuân/Pv TTXVN tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, tham dự lễ khai mạc tại đầu cầu Nhật Bản có bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka; ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka. Phía đầu cầu Việt Nam có ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; ông Đặng Thanh Phương, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Kiều bào cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan, Nguyên trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội…, cùng trên 500 đại biểu là đại diện các hội đoàn, lớp học tiếng Việt, các thầy, cô giáo người Việt đang công tác ở nhiều quốc gia trên thế giới tham gia trực tuyến.
Tham dự của đại diện đầu cầu Nhật Bản. Ảnh: Phạm Tuân/Pv TTXVN tại Nhật Bản
Phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn, bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka nhấn mạnh việc đưa tiếng Việt đến với thế hệ trẻ xa xứ là một sứ mệnh cao quý nhưng đầy thách thức, đòi hỏi không chỉ tình yêu với tiếng Việt mà còn cần sự kiên trì, lòng nhiệt huyết và niềm tin vào giá trị của ngôn ngữ mẹ đẻ. Do đó, Chương trình tập huấn với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia ngôn ngữ sẽ góp phần trang bị cho người dạy kiến thức và phương pháp giảng dạy hiệu quả, dễ tiếp cận.
Về phần mình, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao khẳng định việc duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt là gìn giữ và phát triển tiếng Việt không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam, dù đang sinh sống trong nước hay ở nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài ngày càng lớn mạnh với hơn 6 triệu kiều bào.
Hơn 500 đại biểu tham gia trực tuyến. Ảnh: Phạm Tuân/Pv TTXVN tại Nhật Bản
Ông Đặng Thanh Phương, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Kiều bào cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin thêm về công tác tuyên truyền dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để hoạt động dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài duy trì hiệu quả. Trong năm 2026, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ cùng các cơ quan đại diện tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng việc gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới việc xây dựng một đề án phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào.
Trong tham luận của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Cánh Diều thẳng thắn nêu ra ba khó khăn lớn trong việc duy trì và phát triển việc dạy - học tiếng Việt tại nước ngoài, gồm: Thiếu giáo trình, tài liệu, công cụ học tập được thiết kế riêng cho con em người Việt ở nước ngoài; thiếu đội ngũ giáo viên chuyên môn; và việc tổ chức các lớp học tiếng Việt còn mang tính tự phát, thiếu cơ chế hỗ trợ ổn định. Từ đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết đề xuất một số phương pháp giảng dạy hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, được chia thành 4 nhóm theo khả năng sử dụng tiếng Việt khởi điểm.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết trình bày chuyên đề. Ảnh: Phạm Tuân/Pv TTXVN tại Nhật Bản
Theo kế hoạch, Chương trình tập huấn cơ bản sẽ được tổ chức 5 buổi vào một số ngày thứ Bảy từ nay đến 20/9 với mục tiêu hướng dẫn giáo viên dạy tiếng Việt lựa chọn hoặc tự biên soạn tài liệu dạy học, áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, tổ chức lớp học, phối hợp giữa gia đình, lớp học và cộng đồng để dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra còn có: Chương trình nâng cao nhằm hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Việt nâng cao hiểu biết về ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, văn hoá Việt Nam và phương pháp dạy học để cải thiện chất lượng dạy học tiếng Việt và văn hoá Việt Nam; Chương trình tư vấn được thực hiện thường xuyên nhằm hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Việt giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình dạy học; Chương trình trao đổi kinh nghiệm dạy học nhằm tạo điều kiện để giáo viên dạy tiếng Việt ở các cộng đồng khác nhau trao đổi kinh nghiệm dạy học.