Giao lưu các thế hệ nữ khoa học Việt Nam tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, một buổi tọa đàm với chủ đề "Phụ nữ trong khoa học" đã được tổ chức ngày 12/3 tại thủ đô Paris. Đây là sáng kiến của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp nhằm chào mừng Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 và tháng Thanh niên Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng sáng kiến Ngày quốc tế dành cho phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học của Đại hội đồng Liên hợp quốc (11/2) và năm tôn vinh ngành khoa học cơ bản do Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) phát động.

Chú thích ảnh
Năm diễn giả là đại diện các thế hệ nữ khoa học Việt Nam tại Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp

Buổi tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự quan tâm của đông bảo thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Pháp. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ - Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lê Thị Hồng Vân, và đại diện Văn phòng Khoa học và Công nghệ tại Pháp, đơn vị bảo trợ, cũng đã tham dự buổi tọa đàm.

Năm diễn giả thuộc các thế hệ nữ khoa học Việt Nam tại Pháp, người lớn nhất cũng ngoài 70, người trẻ nhất chỉ hơn 20 tuổi. Các diễn giả đều là những tiến sĩ thuộc các ngành nghề khác nhau như sinh quyển không gian, y dược, kinh tế, hóa lý và môi trường. Họ không chỉ có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, mà còn có nhiều đóng góp thiết thực cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp. Những câu chuyện của họ về niềm đam mê khoa học, những nỗ lực phi thường để khắc phục khó khăn trong công việc và cuộc sống, vượt qua định kiến rào cản xã hội và công việc để đạt được thành công trong sự nghiệp đã là nguồn cảm hứng tạo nên sức hấp dẫn của buổi tọa đàm.

Tiến sĩ Lê Toàn Thủy, mặc dù ở tuổi "cổ lai hy", bà vẫn tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Là trưởng nhóm nghiên cứu sinh khối tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh quyển từ Không gian CESBIO, người khởi xướng chương trình vệ tinh BIOMASS của châu Âu về đánh giá sinh khối rừng, dự kiến sẽ được phóng lên năm 2023, bà cũng từng điều hành dự án Asia-RiCE về phát triển Dự đoán và Giám sát Cây lúa châu Á (Asia-RiCE) cho sáng kiến Giám sát Nông nghiệp Toàn cầu. Là nữ diễn giả cao tuổi nhất, bà Lê Toàn Thủy chia sẻ phụ nữ dấn thân vào khoa học là phải chấp nhận đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là chính mình vì phụ nữ thường e dè, thiếu tự tin, không dám đi theo con đường, hay chọn lựa nghề mình thích. Thứ hai là thành kiến của gia đình và xã hội không chấp nhận phụ nữ đam mê khoa học. Thứ ba là phải cạnh tranh với nam giới, cả trong vị trí xã hội lẫn nghiên cứu khoa học, nên lúc nào phụ nữ cũng phải làm việc nhiều hơn, phải mạnh dạn hơn, tập trung hơn và mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, bà cũng kêu gọi các bạn gái trẻ làm khoa học không nên từ bỏ đam mê. Bà động viên : "Nếu thích khoa học thì đừng nghĩ là mình là nam hay nữ, vì khó khăn có nhiều, nhưng phần lớn là do định kiến của mình, cần phải vượt qua cái đó trước".

Về phía bạn trẻ Đinh Thị Lan Anh, nghiên cứu sinh năm ba tại Đài thiên văn Paris, cô cho rằng thành công của các nữ khoa học tiền bối sẽ là tấm gương sáng, là độc lực để giúp các bạn trẻ phấn đấu vươn lên trong lĩnh vực của mình. "Hiện nay, số bạn nữ làm khoa học chưa được nhiều, nên em mong muốn số lượng nữ này ngày càng phát triển hơn nữa. Không có sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới nên em hy vọng sẽ có ngày càng nhiều bạn nữ có thể dấn thân vào con đường khoa học này. Với các nhà lãnh đạo thì em mong nhận được sự cổ vũ động viên và tạo điều kiện nhiều hơn cho các nữ khoa học », Lan Anh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề "Phụ nữ trong khoa học" đã được tổ chức ngày 12/3 tại thủ đô Paris. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp

Tham dự sự kiện, bạn nam Nguyễn Xuân Minh Vương, sinh viên chuyên ngành trí tuệ nhân tạo Toulouse đánh giá cao chủ đề của buổi tọa đàm. Theo Minh Vương, "ai cũng có điểm mạnh điểm yếu, nhưng phụ nữ đáng được tôn trọng trong xã hội. Sự đóng góp của họ trong khoa học rất lớn nên việc chúng ta tôn vinh là một việc làm hết sức có ý nghĩa".

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng là các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng lên. Nhiều nghiên cứu của họ đã mang lại các giá trị tốt đẹp và đóng góp rất lớn làm thay đổi thế giới và cuộc sống chúng ta. Buổi tọa đàm “Phụ nữ trong Khoa học” không chỉ tôn vinh và ghi nhận đóng góp của những người phụ nữ Việt Nam trong công tác nghiên cứu khoa học tại Pháp, mà còn góp phần truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, khuyến khích các bạn nữ đi theo con đường khoa học của các thế hệ đàn chị đi trước.

 

Thu Hà – Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)
Cuộc giao lưu xúc động giữa các cựu lưu học sinh Việt - Lào
Cuộc giao lưu xúc động giữa các cựu lưu học sinh Việt - Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 29/1, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra buổi gặp gỡ, giao lưu giữa cựu lưu học sinh Lào tại Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và chương trình gói bánh chưng chào mừng Xuân Nhâm Dần 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN