Tham dự sự kiện có đông đảo bà con kiều bào thuộc ba thế hệ và bạn bè Pháp. Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Vương Hữu Nhân, Chủ tịch UGVF cho biết mục đích của buổi gặp mặt là nhằm chia sẻ những kỷ niệm về một thời kỳ hào hùng tại trụ sở chính của Hội, một địa điểm quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp định Paris 50 năm trước.
Trong bầu không khí thân mật và đầm ấm như trong một gia đình, ông Nhân nhấn mạnh phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp, mà UGVF lúc bấy giờ là hạt nhân, đã góp phần to lớn vào Hiệp định Paris. Và trụ sở của UGVF tại con phố nhỏ Petit Musc, còn gọi là “Hội quán”, chính là một nhân chứng của những đóng góp này. Trong nhiều năm trước khi hiệp định này được ký kết, Hội quán là địa điểm chiến lược bắt nguồn mọi hoạt động đấu tranh cho hòa bình và đoàn kết với Việt Nam.
Để đi đến Hiệp định Paris năm 1973, phải mất 5 năm đằng đẵng vận động dư luận, biểu tình phản chiến, đàm phán, hội họp... chính thức và bí mật. Bởi vậy, buổi gặp mặt tại trụ sở UGVF là dịp rất có ý nghĩa để bà con ôn lại những kỷ niệm của một thời tham gia phong trào yêu nước. Trong suốt gần 5 năm không thể nào quên, đã có rất nhiều bà con trong cộng đồng người Việt tại Pháp không quản ngại khó khăn, không tiếc sức mình, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp các đoàn Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán cho tới ngày chiến thắng.
Trước những người bạn Pháp luôn ủng hộ Việt Nam, ông Nhân đã nhắc quá trình hoạt động của Hội quán và cho biết trụ sở này được mua vào năm 1970 nhờ sự đóng góp của hàng ngàn thành viên và những người ủng hộ đất nước. Hai đoàn đàm phán Việt Nam thường xuyên lui tới để trao đổi với lãnh đạo UGVF, thông tin về tình hình đất nước và diễn biến của Hội nghị Paris và đưa ra các chương trình hành động tiếp theo. Ngay tại đây, nhiều người đã học hát, múa để tham gia biểu tình thể hiện sự đoàn kết với Việt Nam, chuẩn bị áp phích và truyền đơn ủng hộ đất nước.
Cũng tại nơi đây, ông Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình cùng các thành viên của hai phái đoàn đã đến vào ngày 28/1/1973, một ngày sau lễ ký Hiệp định, để chúc mừng và cảm ơn cộng đồng người Việt Nam vì những đóng góp cho thắng lợi chung của đất nước.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Vương Hữu Nhân chia sẻ: “Hôm nay, chúng tôi muốn tưởng nhớ và biết ơn những người đã dành rất nhiều tâm sức cho sự kiện này bởi nhiều người hiện đã không còn nữa. Buổi gặp mặt hôm nay để những người bạn gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm và cũng rất quan trọng đối với chúng tôi trong việc chuyển tải thông điệp đến các thế hệ sau này là để có nước Việt Nam như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và các thế hệ trước đã phải nỗ lực to lớn mới có được”.
Tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, bà con Việt kiều và những người bạn Pháp đã có dịp ôn lại những kỷ niệm, những gương mặt thân thuộc của một thời qua những tấm ảnh tư liệu được trưng bày tại Hội quán.
Ông Nhân cho biết thêm nhân buổi gặp mặt, UGVF muốn tổ chức buổi triển lãm những hình ảnh tư liệu để tri ân sự đóng góp một thời của các bậc tiền bối. Thời điểm đó, Hội đã tham gia đóng góp nhiều ý tưởng cho việc ký kết Hiệp định Paris. Trong suốt thời gian gần 5 năm, đã có rất nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra, đi kèm với rất nhiều sự chuẩn bị để có thể đi đến hiệp định quan trọng này. Với chủ đề “Paris 1973: Cánh tả và Hội biểu tình vì hòa bình ở Việt Nam”, mục đích của triển lãm là đóng góp một cách thiết thực vào việc truyền tải vai trò lịch sử của cộng đồng người Việt tại Pháp, qua đó duy trì mối liên hệ giữa các thế hệ và nâng cao di sản chung. Qua triển lãm, bà con Việt kiều và bạn bè Pháp được thấy lại những gương mặt người Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào chiến thắng của cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris, hoặc những bạn bè Pháp đã tham gia các hoạt động phản đối cuộc chiến tranh chống Mỹ và vì hòa bình ở Việt Nam.
Cũng nhân dịp buổi gặp mặt, UGVF đã giới thiệu một số cuốn sách về lịch sử Việt Nam, trong đó có cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” của nhà ngoại giao Võ Văn Sung do nhà sử học Nguyễn Đắc Như Mai, Việt kiều ở Pháp chuyển ngữ. Ngoài việc tái hiện những hoạt động ngoại giao của Việt Nam tại Pháp và châu Âu trong giai đoạn từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết đến khi nước nhà thống nhất, cuốn sách còn ghi lại những câu chuyện về tình cảm của những người Việt Nam sống xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc, về những người bạn quốc tế thủy chung và tiến bộ, hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Tại Hội quán, bà con có dịp được biết tác giả cuốn sách là người đã tham gia vào các cuộc hội đàm bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger giai đoạn 1971-1973 và là một trong 5 thành viên của phái đoàn Việt Nam tại lễ ký kết Hiệp định Paris.