Để đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt và góp phần gìn giữ hồn cốt của dân tộc, trong những năm qua, cộng đồng người Việt tại Lào đã có nhiều sáng kiến để không chỉ duy trì mà còn lan tỏa tiếng Việt tại Lào.
Sinh ra và lớn lên tại Lào, mặc dù có thể giao tiếp tương đối tốt bằng tiếng Việt nhưng bé Mai Linh 11 tuổi, lại không hề biết đọc, biết viết. Gần 2 tháng kể từ khi lớp tiếng Việt miễn phí được mở lại sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 đến nay, mỗi tuần 3 buổi chiều, Mai Linh lại được gia đình đưa tới Chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn để học tiếng Việt.
Chia sẻ với các phóng viên TTXVN tại Lào, Mai Linh cho biết là người Việt nên cháu muốn đọc và viết được tiếng Việt để có thể hiểu và biết về quê hương, tổ quốc Việt Nam.
Đó cũng là hoàn cảnh của bé Phan Ngọc Vân. Tương tự như Mai Linh, Vân cũng sinh ra và lớn lên tại Lào. Vân cho biết khi ở nhà em vẫn nói tiếng Việt nhưng không biết đọc và viết, do đó, em muốn học tiếng Việt để biết nhiều thêm về văn hóa của người Việt. Đến nay, em đã đọc và viết được, nhờ đó em hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn và cũng là người sáng lập lớp học tiếng Việt miễn phí, những trường hợp như em Vân và em Linh ở Lào không phải là hiếm, nếu không nói là khá đông. Đây là động lực thúc giục chị và Hội người Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn cùng Chùa Phật tích Viêng Chăn lập nên lớp tiếng Việt miễn phí.
Nhờ sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, của Chùa Phật tích thủ đô Viêng Chăn và của Hội người Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn, lớp học hiện duy trì 3 buổi/tuần với các khóa học tiếng Việt kéo dài 3 tháng. Chị Huyền cho biết nhờ được chùa Phật tích Viêng Chăn sắp xếp chỗ dạy miễn phí và sự ủng hộ của cộng đồng, các học sinh khi đến với lớp học không những không phải đóng tiền mà còn được cung cấp miễn phí tài liệu, sách, vở viết.
Tuy nhiên, theo chị Huyền, những đóng góp và hỗ trợ nói trên vẫn là chưa đủ nếu thiếu sự nhiệt tình và tâm huyết của các giáo viên chuyên và không chuyên là người Việt đến từ cộng đồng, những người không tiếc thời gian, công sức để đến giảng dạy miễn phí với chung một mong muốn là được đóng góp cho hoạt động gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt, điều đã góp phần tạo nên thành công của lớp học.
Sang Lào đã 20 năm, cô Nguyễn Thị Hiền hiện là giảng viên tiếng Việt tại Khoa tiếng Việt, trường Đại học quốc gia Lào. Dù là phụ nữ vừa phải lo toan công việc gia đình vừa cáng đáng công việc ở trường nhưng khi nghe tin Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn tổ chức dạy tiếng Việt miễn phí, cô Hiền đã lập tức đăng ký giảng dạy. Hằng tuần, sau khi kết thúc một ngày đứng trên giảng đường Đại học nếu đến phiên dạy, cô Hiền lại vội vã đi xe máy, vượt qua quãng đường dài hơn 10 km từ Trường Đại học Quốc gia Lào vào chùa Phật tích Viêng Chăn để dạy tiếng Việt miễn phí.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, cô Hiền cho biết cô luôn coi việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, cô rất vui và hoàn toàn tình nguyện dạy miễn phí tiếng Việt cho con em người Việt và những người Lào có nguyện vọng học tiếng Việt, qua đó không chỉ góp phần gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào mà còn lan tỏa tiếng Việt tới cộng đồng người bản địa, giúp tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào anh em.
Cũng như cô Hiền, dù rất bận bịu với công việc hàng ngày tại Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt, nhưng chị Đinh Thị Phương Loan, Việt kiều sinh sống thủ đô Viêng Chăn, vẫn cố gắng bố trí, sắp xếp thời gian để hàng tuần đến với lớp tiếng Việt miễn phí.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN về lý do đến với lớp học, chị Loan cho biết ở Lào có rất nhiều con em người Việt nhưng các cháu thường đi học trường Lào nên ít biết tiếng Việt. Là người từng giảng dạy tại Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, nên chị thấy việc mở thêm các lớp tiếng Việt là rất cần thiết. Do đó, chị đã tình nguyện dạy tiếng Việt miễn phí để các cháu có thể biết tiếng Việt, qua đó hiểu thêm văn hóa Việt và tiếp tục gìn giữ các truyền thống tốt đẹp của người Việt và không quên nguồn cội.
Không chỉ có các học viên Việt đăng ký học tập, trong lớp cũng có khá đông học sinh người Lào, một điều chứng tỏ tiếng Việt không chỉ lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam mà còn đến cả với người dân Lào.
Theo chị Huyền, lớp học tiếng Việt hiện có hai đối tượng, một là các cháu người Việt kiều, biết nói tiếng Việt nhưng không biết đọc, biết viết; Hai là các cán bộ, sinh viên người Lào muốn học tiếng Việt để phục vụ cho công việc hoặc có nhu cầu học chuẩn bị tiếng để sau này sang học ở Việt Nam.
Làm việc tại Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng Lào, anh Nhoulakon Phengmalixai cho biết anh có nhiều bạn là người Việt nhưng do chưa biết tiếng Việt nên việc giao tiếp bị hạn chế, chính vì vậy anh quyết định tham gia lớp học này. Tới nay, sau gần 2 tháng theo học, anh đã có thể nói chuyện và hiểu được tiếng Việt và thời gian tới, anh sẽ cố gắng để học cho giỏi tiếng Việt.
Đối với sư thầy Douangsamay Khamphoumi, học tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt là điều rất tuyệt vời. Theo sư thầy Douangsamay, Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng có quan hệ hữu nghị đặc biệt, do vậy việc biết được tiếng Việt là điều cần thiết và quan trọng, bởi khi biết tiếng Việt, ông có thể giao tiếp với người Việt, có thể tìm hiểu được các văn hóa, phong tục tập quán và nhiều điều khác từ nước bạn Việt Nam và đây cũng là lý do khiến ông đến với lớp học.
Bên cạnh lớp học tiếng Việt miễn phí với những phương pháp truyền đạt dễ hiểu nhất, ban tổ chức cũng đã thành lập tủ sách tiếng Việt phục vụ miễn phí bà con kiều bào và các bạn Lào. Tủ sách được đặt ngay trong không gian các lớp học với nhiều đầu sách, trong đó có những cuốn sách, truyện, đặc san song ngữ Việt - Lào, giúp người đọc hiểu hơn về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào.
Cảm thấy xúc động và rất vui khi được chứng kiến sự chung tay của bà con cộng đồng trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt, cũng như nét đặc biệt của lớp học khi không chỉ có con em Việt kiều mà còn có cả con em người Lào theo học, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá rất cao nỗ lực của cộng đồng, của các cô giáo tình nguyện, cũng như hỗ trợ quý báu của chùa Phật tích Viêng Chăn, khẳng định đây có thể coi là một hình mẫu cho những lớp học có sự kết hợp giữa bà con cộng đồng với nhà chùa.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn khi đến thăm lớp học trong chuyến công tác Lào vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết việc giữ gìn và tôn vinh tiếng Việt có vai trò hết sức quan trọng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, do đó những lớp học tiếng Việt như này cần được nhân rộng trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào cũng như trên toàn thế giới.
Có thể nói, những lớp học tiếng Việt không chỉ giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở Lào nói riêng và ở nước ngoài nói chung gìn giữ và phát huy tiếng Việt mà còn giúp những người nước ngoài có thêm tình yêu với tiếng Việt, hiểu thêm về sự giàu đẹp của tiếng Việt, từ đó góp phần lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.