Vượt bóng tối để tỏa sáng

Trong buổi trò chuyện với chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội người mù Đống Đa (Hà Nội), điều khiến tôi ấn tượng nhất là lời tâm sự của chị: “Dù là người khuyết tật nhưng tôi muốn làm mọi thứ để không bị phụ thuộc”; thể hiện ý chí vươn lên của người phụ nữ khuyết tật để đạt những thành tích mà người bình thường cũng không dễ làm được.

Chị Đỗ Thúy Hà đang làm việc tại trụ sở Hội. Ảnh: XC

Thời thơ ấu thiệt thòi


Đỗ Thúy Hà cất tiếng khóc chào đời vào một ngày giữa mùa đông năm 1981, trong niềm vui vô bờ bến của cha mẹ. Năm cô 2 tuổi, bố mẹ phát hiện con gái có những biểu hiện lạ về mắt. Đưa con đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ cho biết Thúy Hà bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh. Xót con, bố mẹ đã đưa Thúy Hà đi không biết bao nhiêu nơi để chạy chữa, nhưng các bác sĩ đều bó tay.


Năm lớp 1, Thúy Hà học ở trường Tiểu học Phương Liên, nhưng do thị lực quá kém, nên không thể theo học như các bạn. Sang học kỳ 2, cô bé phải nghỉ học vì hai mắt hoàn toàn không nhìn thấy nữa.


Thay vì chán nản, mặc cảm, Thúy Hà không buông xuôi, mà tìm cách thích nghi với hoàn cảnh. Năm 1989, khi 9 tuổi, bố mẹ xin cho Thúy Hà vào học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, nơi có nhiều người bạn cùng hoàn cảnh.

Chị Thúy Hà nhận danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú (ảnh nhân vật cung cấp).

“Tôi được dạy chữ nổi, được học đàn, học vẽ và nhiều kỹ năng khác. Cuộc sống của tôi bước sang một trang mới. Dần dần tôi bớt dần mặc cảm và phấn đấu cùng bạn bè, học hành chăm chỉ, trở thành một học sinh xuất sắc”, Thúy Hà kể lại.


“Nhiều lúc tôi tự an ủi, dù gì tôi cũng hơn nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ bởi đã có lúc tôi còn lờ mờ nhìn thấy cha mẹ, thấy quầng sáng và biết về màu xanh", Thúy Hà cho biết.


Môn học Thúy Hà đặc biệt yêu thích là tiếng Anh, nên chị dành nhiều tâm sức. Do không có lớp tiếng Anh dành cho người khiếm thị, nên ngoài giờ học trên lớp, đa phần Thúy Hà đều tự học.


“Để học tiếng Anh, người học không ngại giao tiếp, phải nói, giao tiếp thường xuyên để thầy biết chỗ sai để sửa”. Với nỗ lực và sự đam mê, Thúy Hà tự rèn cho mình phương pháp học tiếng Anh không thua bạn bè trang lứa. Năm 2000, Thúy Hà là học sinh khiếm thị duy nhất được tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức và giành giải ba.


Nỗ lực không ngừng nghỉ


Năm 2004, Thúy Hà thi đỗ và trở thành sinh viên khoa tiếng Anh của Viện Đại học Mở Hà Nội. Trong môi trường mới này, nhiều cơ hội đã đến với Hà. Một trong số đó là cơ hội được tiếp cận với tiếng Nhật, vốn là ngôn ngữ tượng hình rất khó học và đầy thách thức ngay với người bình thường.

Chị Hà tham gia lớp học tại Nhật Bản (ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2005, Thúy Hà đăng ký học lớp kỹ năng lãnh đạo cho người mù do Nhật Bản tổ chức qua mạng. Vượt qua gần 400 người, Thúy Hà trở thành đại diện của Việt Nam nhận học bổng du học miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho những người khuyết tật của châu Á - Thái Bình Dương. Những tháng ngày sinh sống và học tập tại Nhật Bản, Thúy Hà phải tự chăm sóc bản thân, tự mày mò tìm đường đi tàu điện ngầm đến trường, đi thăm thú, giao lưu với người dân bản địa để nâng cao vốn từ, kỹ năng giao tiếp...


Trong một năm rưỡi đi học tại Nhật Bản, Thúy Hà xin bảo lưu kết quả học tại Viện Đại học Mở. Kết thúc khóa học, chị trở về trường tiếp tục học và tham gia hoạt động ở Hội Người mù quận Đống Đa.


Từ mối quan hệ quen biết qua lớp học tại Nhật và các tổ chức phi chính phủ, Thúy Hà đã giới thiệu và tổ chức trao học bổng Nhật Bản cho 8 người, trong đó có 4 người khuyết tật; đồng thời lập dự án hỗ trợ học sinh khiếm thị đang theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu ...


Liên tục trong hai năm 2008, 2009 Thúy Hà được phía Nhật Bản mời tham dự hội thảo với chủ đề "Người khuyết tật với việc làm". Năm 2012, chị được tín nhiệm bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Chị tổ chức nhiều lớp dạy chữ nổi Braille, dạy vi tính, dạy nghề và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu cho gần 200 hội viên.


Những hoạt động ấn tượng nhất phải kể tới là lớp học tiếng Anh cho 15 hội viên do Tổ chức từ thiện ACCV của Australia kết hợp với Hội mở, hay việc kết hợp với Tổ chức Minzoku Forum của Nhật Bản mở khóa học kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt cho 20 hội viên giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm...


“Hiện tôi cùng với một số giáo viên người Nhật làm bộ sách tiếng Anh bằng chữ nổi. Bởi thực tế từ kinh nghiệm của bản thân, học sinh khiếm thị rất thiếu sách để tham khảo để tự học. Bộ sách này đang được hoàn thiện để sớm giới thiệu cho các em”, Thúy Hà chia sẻ.


Nói về gia đình, Thúy Hà tràn đầy hạnh phúc khi có bên người chồng hết mực yêu vợ, thương con. Nhắc đến chồng, chị không giấu nổi niềm tự hào: "Quen nhau như người bạn và có lẽ muốn giúp đỡ tôi trong cuộc sống, anh ấy luôn là người biết chia sẻ. Tôi mong hai vợ chồng sẽ nắm tay nhau đi hết cuộc đời".


Người đàn ông ấy luôn ở bên chị, là đôi mắt, đôi chân của chị. Thúy Hà cùng chồng dạy con, đi chợ, giặt đồ và dạy thêm tiếng Anh, những mong có thêm thu nhập cho gia đình. “Tôi luôn nghĩ mình phải tự làm tất cả vì con. Có những khi bị bỏng vì pha sữa cho con, bị đứt tay khi nấu ăn cho con, nhưng kiên trì làm tôi cũng quen với những việc đó. Giờ contrai tôi đã 5 tuổi, luôn là đôi mắt, đôi chân dẫn mẹ đi khắp nơi”, Thúy Hà chia sẻ.


Những nỗ lực liên tục của đã giúp người phụ nữ khiếm thị hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ, đặc biệt là đã có những đóng góp đáng khâm phục cho cộng đồng.


Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và những đóng góp đầy ý nghĩa cho xã hội, năm 2001, Đỗ Thúy Hà được chọn là gương mặt "Nữ sinh Việt Nam tiêu biểu"; tháng 3/2013 được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh "Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang"; tháng 10/2013 chị là một trong 10 phụ nữ được Hội LHPN Hà Nội tặng danh hiệu "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu"... Mới đây nhất, chị Đỗ Thúy Hà là một trong 9 cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016” trong lĩnh vực hoạt động xã hội - từ thiện.


Xuân Cường
Xây dựng mô hình phục hồi chức năng tổng hợp cho người khuyết tật
Xây dựng mô hình phục hồi chức năng tổng hợp cho người khuyết tật

Ngày 6/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN