Ông có nước da ngăm đen, khỏe mạnh đặc trưng của người dân đầu miền gió Lào, đôi mắt sắc của một thợ săn đúng như lời kể của anh bạn tôi. Để gặp được ông, chúng tôi đã phải vượt hơn 700 km từ Hà Nội lên A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), nơi ông được dân bản gọi bằng cái tên trìu mến là “Vua bò” đất ngã ba biên giới. Đó chính là ông Chang Vãng Sinh.
Đàn bò của ông Chang Vãng Sinh. |
Vượt qua con suối Mo Phí, chiếc xe “Win chiến” băng qua hai quả đồi đưa chúng tôi tới nhà ông Sinh. Căn nhà nằm lưng chừng ngọn đồi cao chót vót ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, đúng dịp ông Sinh đang bán con trâu mộng cho lái buôn từ dưới xuôi lên với giá gần 15 triệu đồng. Hơn chục năm qua, ngày nào ông cũng dậy từ sáng sớm tinh mơ thả trâu, bò lên đồi ăn, rồi đến chiều thì trèo đồi để lùa đàn trâu, bò về nhà. Cũng như nhiều bạn đồng niên người Hà Nhì ở vùng thảo nguyên hoang sơ, ông Sinh không nhận mặt được con chữ. Nhưng bù lại, trời phú cho ông có đôi mắt sáng và trí nhớ bất tận như dòng suối Mo Phí sau nhà. Đàn trâu, bò hơn trăm con nhưng ông nhớ hết đặc điểm riêng biệt của từng con, không để lẫn với trâu, bò của các hộ khác.
Hồi còn nhỏ, ngày ngày ông Sinh lùa 3 con trâu của gia đình vào núi thả. Mơ ước lớn nhất hồi ấy của ông chỉ mong muốn làm sao sau này mình gây dựng được đàn trâu, bò đông đúc, gia đình đủ cái ăn, thoát cái đói. Thế rồi mơ ước của ông cũng thành hiện thực khi năm 1998, gia đình ông được giao cho 10 con bò bố mẹ nuôi trong 3 năm theo Chương trình 135. Sau 3 năm bò bố mẹ sẽ thuộc về gia đình khác nuôi tiếp, còn bò con sẽ là của gia đình. Tuy chính sách hay và thiết thực là vậy, nhưng lúc đó nhiều hộ dân trong bản chưa dám nhận bò về nuôi bởi lẽ có nuôi, cũng chỉ để giết thịt, bán rất khó vì giao thông cách trở. Nhưng ông Sinh lại có suy nghĩ khác: Nuôi trâu, bò ở đây rất nhàn, cỏ trên đồi tươi tốt, nuôi trâu, bò sẽ rất nhanh lớn. Nếu đường giao thông khó khăn không mang xuống được chợ huyện thì khi nào có chợ phiên biên giới cách nhà gần 5 km dắt bò xuống bán cho lái buôn Trung Quốc cũng có giá. Với suy nghĩ và quyết tâm như vậy, ông đã mạnh dạn nhận nuôi 10 con bò dự án. Không những thế, ông còn vay tiền của bà con và Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua thêm 7 con bò nữa về nuôi.
Sau 3 năm nhận nuôi bò của dự án, được Bộ đội biên phòng hướng dẫn cách chăn nuôi và làm chuồng theo đúng quy trình, cách phòng tránh và chăm sóc gia súc; tận dụng thức ăn từ ngô, lúa, rồi lên đồi cắt cỏ chăm chút cho đàn bò, cuối cùng ông đã thành công. Khi hoàn trả 10 con bò bố mẹ cho dự án để luân phiên cho hộ khác nuôi, ông vẫn còn 15 con bò giống cùng 5 con trâu của gia đình nuôi từ trước. Từ những lợi thế có sẵn của gia đình, ông Sinh đã gây dựng nên đàn trâu bò đông nhất nhì vùng Tây Bắc. Năm 2009 đàn trâu của ông lên tới 40 con, đàn bò lên đến 150 con. Năm 2011, dù bị dịch bệnh nhưng đàn bò của ông vẫn còn tới 120 con, trâu 20 con. Bình quân hàng năm, thu nhập từ bán trâu, bò, gia đình ông cũng đạt gần 100 triệu đồng.
Đã bước vào cái tuổi 70, nhưng ông Sinh vẫn dẻo dai như dòng Mo Phí của bản. Hàng ngày ông vẫn thừa sức leo qua 4 quả đồi, 5 con dốc để trông nom đàn trâu, bò của mình. Bà con trong bản ai muốn nuôi trâu, bò đều được ông giúp vốn, giống, kinh nghiệm nuôi, như ông Sừng Gò Tư hay anh Lý Ha Tư cùng bản Tá Miếu, được ông giúp đỡ kinh nghiệm nuôi trâu, bò sinh sản, thu nhập hàng năm cũng đạt 30 triệu đồng.
Chia tay ông Sinh trong buổi chiều muộn, điều mong mỏi lớn nhất của ông là nhà nào trong bản, trong xã cũng nuôi được đàn trâu, bò đông đúc, để không còn gia đình nào phải chịu cái đói, cái nghèo như trước kia.
Bài và ảnh: Bùi Hiếu