Trở thành triệu phú nhờ đưa giống cúc Đà Lạt về trồng trên đất Tuyên Quang

“Ông Hải chuyên trồng hoa cúc Đà Lạt” hay “Triệu phú nhờ trồng hoa”… là những cách gọi của người dân xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khi nhắc đến ông Phạm Ngọc Hải, thôn Văn Lập.

Chú thích ảnh
Ông Hải (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa cúc với người dân thôn Văn Lập, xã Thắng Quân. 

Ông là người đầu tiên đưa giống hoa cúc Đà Lạt về trồng ở xã Thắng Quân. Với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ trồng hoa, ông Hải đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu, trở thành triệu phú nhờ trồng hoa cúc ở Tuyên Quang.

Chia sẻ về lý do chọn loại cây trồng rất mới, chưa có hộ dân nào trong xã từng trồng để làm cây trồng phát triển kinh tế gia đình, ông Phạm Ngọc Hải cho biết, gia đình ông trước đây thuộc hộ nghèo của xã Thắng Quân, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, vợ chồng ông có dịp vào thành phố Đà Lạt thăm người thân. Qua tìm hiểu, thấy người dân địa phương trồng hoa cho thu nhập ổn định nên ông học hỏi kinh nghiệm và mua giống hoa về trồng.

Sau khoảng 1 tuần thăm quan, học hỏi ông mua 3.000 cây giống hoa cúc về trồng thử trên mảnh vườn của gia đình. Ngày nào ông cũng kiểm tra, tưới nước, theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây để có cách chăm sóc hợp lý, hạn chế tình trạng sâu bệnh…

Sau 3 tháng trồng và chăm sóc gia đình ông thu hoạch vụ hoa đầu tiên. Vì hoa nở vào dịp tết Nguyên đán nên bán rất được giá, với giá bán trung bình là 7.000 đồng/cây, gia đình ông thu về khoảng 21 triệu đồng tiền hoa. Sau khi trừ mọi chi phí gia đình ông lãi gần 12 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ông Hải đang kiểm tra vườn hoa cúc mới trồng. 

Ông Hải cho biết thêm, thu nhập từ vụ hoa đầu tiên khiến ông rất bất ngờ vì số tiền thu về từ trồng hoa cúc cao hơn gấp nhiều so với việc trồng ngô, trồng sắn… trên cùng một diện tích đất. Bên cạnh đó, giống hoa cúc Đà Lạt hợp với đất đai và khí hậu tại địa phương nên cây phát triển tốt, thậm chí còn ra nhiều hoa hơn. Do đó, gia đình ông quyết định mở rộng diện tích trồng hoa.

Vài năm trở lại đây, mỗi năm gia đình ông Hải trồng khoảng 60.000 cây hoa cúc các loại, với hơn 10 giống cúc, chủ yếu là giống hoa cúc Đà Lạt như: Cúc kim cương vàng, tím, cúc vàng thái, thạch bích, cúc trắng, cúc đỏ... Để thường xuyên có hoa bán, gia đình ông chọn cách trồng gối vụ, tháng nào cũng xuống giống mới (trừ những tháng nắng gắt). Với giá dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/cây, mỗi năm gia đình ông Hải thu về từ 300 – 420 triệu đồng tiền hoa, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 300 triệu đồng.

Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, hoa cúc của gia đình ông hiện còn được các thương lái ở Hà Giang, Yên Bái thu mua, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Có nguồn thu nhập từ trồng hoa, gia đình ông Hải đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Gia đình ông đã xây được nhà mới khang trang, có tiền đầu tư trồng thêm 3ha keo, trồng trên 1.000 cây bưởi, cam, quýt và đào 0,5 ha ao thả cá.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Hải còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp cây giống, giúp đỡ những hộ dân khác trong thôn, trong xã cùng phát triển nghề trồng hoa. Ông Phạm Văn Ngọc, thôn Văn Lập, xã Thắng Quân là một trong những hộ dân được ông Hải chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa cho biết, thấy gia đình ông Hải trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2018, gia đình ông quyết định trồng thử 40.000 cây hoa cúc Đà Lạt trên diện tích đất trước đây trồng ngô.

Được ông Hải chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… nên hoa phát triển tốt. Do trồng gối vụ nên cách đây 1 tháng gia đình ông được thu hoạch vụ hoa đầu tiên, với số lượng 20.000 cây, giá trung bình 5.000 đồng/cây, gia đình ông thu về 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán sắp tới 20.000 cây hoa còn lại sẽ cho thu hoạch, nếu giá cả vẫn ổn định như vụ trước thì gia đình ông sẽ có thu nhập cao từ trồng hoa.

Từ ngày đầu tiên đưa giống hoa cúc Đà Lạt về trồng ở Thắng Quân đến nay đã hơn 10 năm, ông Hải nhận định, cúc Đà Lạt là giống cây ngắn ngày, dễ chăm sóc, đề kháng tốt nên ít khi phải phun thuốc trừ sâu; chi phí giống thấp, giá bán ổn định, không tốn nhiều diện tích đất trồng. Chẳng hạn, một sào đất vườn (360m2) trồng được 2 vụ hoa/năm (trừ thời gian cho đất nghỉ, tránh những tháng nắng gắt là tháng 4, 5 và 6), mỗi vụ trung bình trồng được từ 13.000 – 15.000 cây cúc, cả 2 vụ sẽ trồng được khoảng 26.000 – 30.000 cây cúc. Với giá bán tại vườn dao động từ 4.000 – 6.000 đồng/cây, mỗi năm người trồng hoa có thể thu về hàng trăm triệu đồng; trong đó, chi phí đầu tư hết khoảng từ 25 – 35 triệu đồng.

Cũng theo ông Hải, để trồng thành công giống hoa cúc Đà Lạt thì người trồng hoa nên xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng, sau đó lên luống cao, bón lót phân chuồng ủ mục; hạn chế bón phân hóa học cho cây vào ngày mưa để tránh tình trạng phân còn sót trên lá cây sẽ làm cây dễ bị bệnh nấm lá, thối rũ; những ngày nắng to, thời tiết hanh khô phải tưới nước cho cây ít nhất 1 lần/ngày.

Bên cạnh đó, cúc là cây phát triển chậm nên tháng đầu tiên xuống giống, người trồng hoa phải thắp bóng đèn để kích thích cây phát triển. Việc thắp đèn cũng là kỹ thuật hãm cây, căn cho hoa nở đúng thời điểm dự kiến để hoa bán được giá cao và ổn định. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện sâu, bệnh để có biện pháp phòng trừ, xử lý, hạn chế thiệt hại…

Ông Nguyễn Đức Quyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Quân cho hay, mô hình trồng hoa cúc Đà Lạt của ông Hải là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Thắng Quân. Đồng thời, là mô hình điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán (TTXVN)
Rộn ràng đường hoa Tết tại TP Hồ Chí Minh
Rộn ràng đường hoa Tết tại TP Hồ Chí Minh

Công đoạn dựng khung và lắp ráp các mô hình linh vật tại đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 (TP Hồ Chí Minh) đang được triển khai, để hoàn tất đường hoa, sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN