Thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu trong phong trào 'Thanh niên lập nghiệp'

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo có tới 9 anh em ở vùng miền núi Minh Tiến huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, mới chớm tuổi trưởng thành, anh Trần Quang Ích đã phải tự bươn chải, cố gắng lập thân, lập nghiệp.

Anh Trần Quang Ích chăm sóc đàn đà điểu. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Vốn là người chịu khó, ham học hỏi, đầu những năm 2000, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh để học nghề kim hoàn, trở thành thợ giỏi có mức lương lên tới hàng chục triệu đồng. Khi có thu nhập khá và cuộc sống tạm ổn, anh Ích vẫn luôn hướng về quê nhà, trăn trở với bước đường lập thân, lập nghiệp. 

Ngày đi làm, tối anh lại mày mò, tìm hiểu trên mạng internet về cách làm trang trại, nuôi các cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Trong một chuyến đi đến Khánh Hòa và một số tỉnh phía Nam, Trần Quang Ích được tiếp cận với nghề nuôi đà điểu. Tận mắt thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình, năm 2012, anh Ích quyết định tạo dựng trang trại nuôi đà điểu đầu tiên trên mảnh đất quê hương.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, Trần Quang Ích chia sẻ:"Sự khởi đầu nào cũng khó khăn nhưng quyết định khởi nghiệp với đà điểu càng khó khăn gấp bội vì ở Thái Nguyên chưa có mô hình nào để học tập, trao đổi kinh nghiệm, chưa kể đến việc hợp tác để sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó còn phải "đả thông" tư tưởng cho các thành viên trong gia đình khi phá bỏ hơn 2 ha đất đồi đang trồng chè, trồng cây để làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ làm thức ăn cho đà điểu". 

Trang trại nuôi đà điểu của Ích mới hình thành tại xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến có diện tích rộng hơn 3.000 m2, hệ thống chuồng trại có mái che kiên cố, tường rào bằng tấm lưới thép đan, khu vực dành cho đà điểu vận động... Vừa xây chuồng trại, Ích vừa phải đến các cơ sở nuôi đà điểu lớn ở Hà Nội, Hải Dương, thậm chí vào tận Khánh Hòa để tìm nguồn giống, kỹ thuật chăn nuôi thực tế. Để làm chủ kỹ thuật chăn nuôi đa điểu, Ích còn đến Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) xin được làm không công trong một thời gian...

Giữa năm 2016, trang trại chăn nuôi đà điểu với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4 tỷ đồng của Trần Quang Ích bắt đầu nuôi lứa đà điểu đầu tiên với hơn 100 con. Anh cho biết: Giống đà điểu chọn nuôi là giống đà điểu châu Phi, có khả năng thích nghi với khí hậu địa phương tốt, ít bị bệnh, không kén thức ăn. Ngoài vốn đầu tư ban đầu cho con giống từ 2 - 2,5 triệu đồng/con thì chi phí nuôi đà điểu không tốn bởi thức ăn chủ yếu chỉ là cỏ và nguồn tinh bột có sẵn ở địa phương như ngô, thóc, sắn… 

Thịt đà điểu nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt; da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau. Chỉ sau khoảng 3 tháng, đàn đà điểu đã tăng trọng đáng kể, từ 4 kg/con lên hơn 30 kg/con, có con đã nặng trên 70 kg. Nhận thấy lợi ích và triển vọng của con đà điểu, với cương vị là Bí thư Chi đoàn xóm Hòa Tiến 2, anh Ích mạnh dạn vận động 10 đoàn viên thanh niên cùng sở thích chăn nuôi trong xã thành lập Hợp tác xã Song Mã chuyên chăn nuôi đà điểu mà trang trại chăn nuôi của anh là hạt nhân. Đây cũng là hợp tác xã chăn nuôi đà điểu đầu tiên ở Thái Nguyên.

Theo tính toán của Trần Quang Ích, chỉ một vài tháng nữa, đàn đà điểu của anh sẽ đạt tiêu chuẩn xuất chuồng với trọng lượng từ 90 - 150 kg/con. Với giá thị trường từ 70.000 - 120.000 đ/kg đà điểu hơi và 250.000/kg thịt thành phẩm, dự kiến trong năm nay, trang trại nuôi đà điểu của anh đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu lãi 300 - 400 triệu đồng... 

Để có thị trường tiêu thụ, anh liên hệ với các trang trại đà điểu lớn ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng... tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm ổn định; đã có một số cơ sở đặt mua thịt đà điểu với số lượng lớn. Hiện nay, anh chưa xuất bán đà điểu thương phẩm nhiều mà chủ yếu nhân giống, hỗ trợ các xã viên trong Hợp tác xã nhân đàn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp đã ký cam kết tiêu thụ thịt đà điểu phục vụ xuất khẩu...

Ông Hoàng Văn Thành, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Đại Từ cho biết: Cùng với việc xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới trong khai thác thế mạnh địa phương như sản xuất, chế biến chè, phát triển cây, con bản địa... mô hình hợp tác xã chăn nuôi đà điểu của anh Trần Quang Ích giúp tạo thêm ngành nghề mới, mở ra nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương, tạo thêm nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đại Từ. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, là thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu trong phong trào "Thanh niên lập nghiệp", Trần Quang Ích còn là đảng viên mẫu mực ở địa phương khi vận động bà con trong xóm hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng 3 tuyến đường giao thông liên xóm, trong đó chỉ riêng gia đình anh cũng tự nguyện hiến gần 900 m2, giúp cho dự án xây dựng đường giao thông nông thôn trong xóm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Học nghề tốt sẽ thêm cơ hội lập nghiệp, phát huy năng lực bản thân
Học nghề tốt sẽ thêm cơ hội lập nghiệp, phát huy năng lực bản thân

Dù học nghề, làm công nhân lao động trực tiếp, các bạn trẻ vẫn có điều kiện để phát huy năng lực bản thân và cơ hội phát triển nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN