Dồn lực xét nghiệm nhanh
Những ngày này, không chỉ riêng Bắc Ninh, Bắc Giang, mà nhiều địa phương trong cả nước cũng đang phải "gồng mình" chống dịch. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, hiểu được việc giúp Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch chính là cách để dịch bệnh không lan rộng ra cả nước, nhiều địa phương đã nhanh chóng chi viện nguồn lực, cử những "chiến sỹ quả cảm" tới hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại hai địa phương.
Cùng phát sinh ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp, Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành ổ dịch phức tạp và "nóng" nhất cả nước với số lượng F0 mỗi ngày tăng lên nhanh chóng. Để khoanh vùng cách ly nhanh nhất chỉ có cách phải tăng tốc xét nghiệm.
Do dịch phát sinh tại khu công nghiệp, nơi có hàng trăm nghìn công nhân, lao động và người dân sinh sống với tốc độ lây nhiễm nhanh, nên một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải truy vết thần tốc và xét nghiệm nhanh trên diện rộng để sớm khoanh vùng, dập dịch. Chỉ cần phát hiện sớm được một ca F0, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người khác. Trên tinh thần đó, các cán bộ y tế của hai địa phương đã phải thức xuyên đêm để lấy mẫu, xét nghiệm, nhưng vẫn không thể giải quyết hết được số lượng "khổng lồ" mẫu cần thực hiện.
Trước tình hình đó, Bắc Ninh, Bắc Giang đã kêu gọi sự hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương trong cả nước. Đáp lại lời kêu gọi ấy, những ngày qua, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên… đã chi viện nhân lực giúp hai địa phương triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, khoanh vùng truy vết, tiêu độc khử trùng, duy trì an ninh trật tự, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhằm khống chế dịch bệnh. Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nhất, hàng nghìn sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, hàng trăm test nhanh kháng nguyên cùng hàng tỷ đồng… cũng được các địa phương gửi tới để chia sẻ khó khăn với Bắc Ninh, Bắc Giang trong "cuộc chiến" chống đại dịch.
Không dừng lại ở đó, khi tỉnh đoàn Bắc Giang thông báo tuyển gấp tình nguyện viên vào chiều tối 16/5, chưa đầy 24h sau đã có trên 340 người nhắn tin, gọi điện, viết đơn đăng ký làm tình nguyện viên chi viện cho Bắc Giang chống dịch. Trong đó, một học sinh từ Gia Lai xa xôi gửi đơn xin được chi viện; thậm chí có những người 40-50 tuổi cũng tình nguyện xin tham gia chống dịch. Như vậy, không chỉ có các bác sỹ, chuyên gia y tế, các lực lượng chức năng, nhiều thanh niên, người dân trong cả nước đã lắng nghe, thấu hiểu và "đáp lời" khi Bắc Ninh và Bắc Giang lên tiếng kêu gọi… Họ khác nhau giới tính, ngành nghề, độ tuổi… nhưng đều chung một trái tim "nóng"; tinh thần quả cảm, đoàn kết; sẵn sàng chung tay giúp Bắc Giang sớm dập tắt dịch bệnh.
Được biết, đến ngày 21/5 đã có 6 tỉnh, thành phố chi viện cho Bắc Giang về nhân sự để chống dịch COVID-19, gồm: 200 y, bác sỹ Quảng Ninh; 250 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương; "Đội đặc nhiệm" của Hà Nội gồm 20 cán bộ, y, bác sỹ và chuyên gia; 15 cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên "tốt nhất có thể" của ngành y tế Yên Bái, 51 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của tỉnh Thái Nguyên; 20 giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Y tế công cộng. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung ương và các địa phương, năng lực xét nghiệm hiện tại của Bắc Giang đã tăng lên đáng kể.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, chiều 20/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt trên 24.000 mẫu đơn/ngày và 100.000 mẫu gộp/ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại. Bắt đầu từ ngày 21/5, Bắc Giang không còn mẫu tồn, trả được kết quả xét nghiệm trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm xét nghiệm cũng đã được giải quyết.
Chung sức chống dịch
Để kịp thời hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định về thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại hai tỉnh. Bộ phận thường trực đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị bệnh nhân; xét nghiệm; tổ chức cách ly; truyền thông trên địa bàn và các địa phương lân cận có liên quan. Đồng thời, bộ phận có trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; giao ban hằng ngày với hai tỉnh, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia để chống dịch.
Bộ phận thường trực đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổng chỉ huy và có sự tham gia của lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Cục Quản lý môi trường y tế; Cục Y tế dự phòng; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng cùng một số đơn vị liên quan.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang ngày càng gia tăng nhanh chóng, Bộ Y tế đã phân công Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bắc Giang lập Bệnh viện dã chiến và tăng cường nhân lực điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bắc Ninh.
Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã khảo sát, góp ý và hoàn thiện qui trình xây dựng Bệnh viện Dã chiến công suất khoảng 600 giường. Sau khi được UBND thành phố phê duyệt, ngày 20/5 đơn vị bắt tay vào xây dựng Bệnh viện Dã chiến, dự kiến sau 3 ngày sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bắc Giang.
Hiện Bắc Giang đã đưa vào vận hành 8 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, với tổng số trên 1.200 giường. Công tác thành lập Bệnh viện Dã chiến ở Bắc Giang được đánh giá là triển khai nhanh nhất cả nước từ trước tới nay.
Để tăng cường năng lực điều trị cho hai địa phương, nhất là Bắc Ninh khi ngày càng có nhiều ca bệnh diễn biến nặng, Bệnh viện Bạch Mai đã cử chuyên gia về hồi sức, chống đông, thận lọc máu về trực tiếp hỗ trợ triển khai các kỹ thuật cao như: Kỹ thuật tim phổi nhân tạo, thở máy để điều trị cho các ca COVID-19 diễn biến nặng. Nhóm chuyên gia còn có nhiệm vụ chuyển giao các kỹ thuật này cho Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, Bệnh viện Phổi Bắc Giang để thiết lập đơn vị ICU (hồi sức tích cực), giúp địa phương tự điều trị bệnh nhân nặng, không phải chuyển lên tuyến trên….
Trong cuộc chiến "chống dịch như chống giặc", sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái" của dân tộc lại được trỗi dậy mạnh mẽ. Sự hỗ trợ của cả nước, các địa phương, tổ chức, cá nhân dồn về Bắc Ninh, Bắc Giang những ngày qua đã cho thấy, trong "cuộc chiến" với đại dịch, không có địa phương nào "cô đơn", ngành y tế là một, con người Việt Nam là một.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã từng nói: "Đại dịch COVID-19 thực sự là thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại. Nhưng đây cũng là dịp để chứng minh rằng nếu tất cả các tổ chức, mọi người dân ở một cộng đồng, một quốc gia và trên toàn thế giới cùng đoàn kết, nắm tay nhau, chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những thách thức như đại dịch COVID-19, mà chúng ta đang kiên trì, kiên cường vượt qua. Điều đáng quý không chỉ chúng ta chiến thắng bệnh tật, bảo vệ cuộc sống của người dân, mà trong lúc khó khăn thì những giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, từng cộng đồng, từng dân tộc và cả nhân loại lại được nhân lên".
Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thiệt hại trên mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, đại dịch đã cho thấy, tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân Việt Nam vẫn luôn tồn tại và nhân lên lên mỗi khi đất nước gặp gian khó.