Với tấm bằng cử nhân loại Khá, Nguyễn Thái Hạnh Nguyên và Vũ Thị Thùy Nhi (cùng sinh năm 2001 và trú tại phường Đống Đa, thành phố Pleiku) không chọn các thành phố lớn với nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định để lập thân mà viết đơn tình nguyện theo đường binh nghiệp.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống Quân đội, bố của Hạnh Nguyên đang công tác tại Bệnh viện Quân Y 211, còn bố của Thùy Nhi đang công tác tại Tiểu đoàn 827 Cục Hậu cần (Quân đoàn 3) nên mong muốn “được khoác áo lính bộ đội Cụ Hồ” đã thôi thúc các em sẵn sàng nhập ngũ.
“Do xuất thân trong gia đình có bố là quân nhân nên từ nhỏ em rất yêu màu xanh áo lính. Em mong muốn trở thành nữ quân nhân để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha anh” - Hạnh Nguyên chia sẻ.
Đối với Thùy Nhi, động lực để em viết đơn tình nguyện do bố em là bộ đội. Bên cạnh đó, quá trình đi học, em cũng được tiếp xúc với môn Giáo dục quốc phòng nên mong muốn trở thành quân nhân càng mãnh liệt. Em mong sau khi huấn luyện sẽ được theo đuổi nghề điều dưỡng, đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Đống Đa cho biết, năm 2024, phường nhận chỉ tiêu tuyển quân với 80% là nam, 20% là nữ. Trong số công dân nhập ngũ lần này có 90% người viết đơn tình nguyện. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, năm nào, phường cũng đạt chỉ tiêu được giao và có ít nhất 1 nữ công dân tham gia nghĩa vụ. Thậm chí, có công dân 2 năm liên tiếp viết đơn tình nguyện nhưng năm nay mới được lên đường.
Tinh thần sẵn sàng lên đường nhập ngũ cũng đang sôi sục trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những lá đơn tình nguyện của các cô gái Jrai thể hiện được tinh thần xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày qua, câu chuyện nữ cử nhân người Jrai tình nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân khiến người dân địa phương vô cùng bất ngờ. Đó là nữ điều dưỡng Siu H’Hoa, 25 tuổi, trú tại Tổ 1, thị trấn Phú Thiện.
Gác lại công việc, nữ điều dưỡng Siu H’Hoa đã tình nguyện lên đường nhập ngũ để theo đuổi ước mơ làm chiến sỹ Công an nhân dân. Siu H’Hoa là con thứ 4 trong gia đình có 6 chị em. Ngay từ khi học phổ thông, Hoa đã ước mơ sau này được trở thành chiến sỹ Công an nhân dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, em không đăng ký thi vào ngành Công an mà thi vào Đại học Trà Vinh, chuyên ngành Điều dưỡng. Tháng 3/2023, sau khi tốt nghiệp Đại học, Hoa làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương). Tháng 5/2023, sau khi biết thông tin về việc tuyển dụng nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, em đã xin phép lãnh đạo Bệnh viện để về địa phương làm thủ tục đăng ký tham gia nghĩa vụ.
H’Hoa chia sẻ, khi nghe thông tin trúng tuyển, em rất phấn khởi. Em sẽ chấp hành nghiêm các quy định của đơn vị; đồng thời, cố gắng giữ gìn sức khỏe, quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt để được phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Em đang háo hức chờ ngày lên đường tòng quân.
Thông tin từ Hội đồng Nghĩa vụ quân sự và công an tỉnh Gia Lai, năm 2024, trong số các tân binh có khoảng 45% người tốt nghiệp Trung học Cơ sở; 39% tốt nghiệp Trung học Phổ thông; trên 1% có trình độ Đại học; 1% có trình độ Cao đẳng; 0,1% có trình độ Trung cấp và 0,2% công dân là đảng viên. Công dân là người dân tộc thiểu số lên đường nhập ngũ chiếm 59,6%, công dân là người Kinh chiếm 40,4%.
Theo kế hoạch, đúng 7 giờ 30 phút ngày 25/2, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức lễ giao, nhận quân.