Người cựu tù Hỏa Lò bật khóc khi tiếp quản Thủ đô

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, người đã bật khóc khi tiếp quản nhà tù Hỏa Lò trong ngày 10/10/1954 giải phóng thủ đô Hà Nội, Giờ đây lại rơi nước mắt khi nhớ tới những người đồng đội đã hi sinh.

Chiến sĩ cách mạng kiên cường từ 15 tuổi

Sinh ra và lớn lên tại phố Lò Đúc (Hà Nội), đang học trường Chu Văn An, ông Nguyễn Đức Minh khi 15 tuổi đã đứng trong đội ngũ của Đoàn Thiếu niên tiền phong thành Hoàng Diệu do đồng chí Phạm Hồng Cư (Trung tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), đứng lớp. Sau đó, ông làm trinh sát và công tác tại Công an Hà Nội.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục chính trị Công an Nhân dân; Viện trưởng Viện Khoa học và chiến lược Bộ Công an (cầm mic) tại cuộc giao lưu “Viết tiếp khúc quân hành”. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN.

Đêm 18/5/1948, ông cùng đồng đội treo cờ Tổ quốc tại chợ Đồng Xuân. Cảnh binh đi tuần phát hiện thấy, thu lại lúc 4 giờ sáng. Không nản lòng, các chiến sĩ của ta bơi ra tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm để đặt lá cờ Tổ quốc.

“Sáng 19/5/1948, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ở Tháp Rùa. Kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành, đây là lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Nhân dân càng thêm tin tưởng, khâm phục hoạt động của cán bộ kháng chiến. Kẻ địch thì tức tối, điên cuồng truy tìm cán bộ của ta. Chúng cho người giám sát từng khu phố, tăng cường tuần tra, phục kích ở ngoại thành”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh xúc động kể.

Hoạt động treo cờ được viết trong bản báo cáo gửi cấp trên, tuy nhiên khi giao liên bị địch bắt, danh sách những người tham gia hoạt động trên bại lộ. Địch sục sạo truy bắt, trinh sát Nguyễn Đức Minh là người cuối cùng bị bắt vào cuối tháng 5/1948 và bị đưa về Sở Mật thám Bắc Việt (nay là trụ sở Công an Hà Nội), tra tấn hỏi cung.

Không khai thác được thông tin gì từ ông Nguyễn Đức Minh, đầu tháng 6/1948, địch giải ông về Nhà tù Hỏa Lò. “Tôi bị giam tại phòng D, là phòng dành cho tù nguy hiểm, phải trải chiếu nằm ngay cửa phòng vệ sinh. Sinh hoạt ở Nhà tù Hỏa Lò vô cùng thiếu thốn, giám thị luôn cho tù nhân ăn đói, hy vọng tù nhân vừa giảm sức chống đối, vừa suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn, không nghĩ đến các chuyện khác. Hai ba ngày, tù nhân được tắm một lần bằng nước rửa rau, mỗi người chỉ được nước tắm bằng sáu ca nước”, người cựu tù Hỏa Lò kể.

Cuối tháng 8/1948, địch chọn 100 tù Hỏa Lò đưa đi Hải Phòng đến nhà giam của trại lính của thị trấn Tiên Yên (nay là trụ sở huyện đội Tiên Yên - tỉnh Quảng Ninh) trong đó có ông Nguyễn Đức Minh. Hàng ngày, ông cùng những anh em khác phải đi đập đá để làm đường số 4, từ Tiên Yên đi Đình Lập, Lạng Sơn.

Sau nhiều lần vượt ngục không thành, bị địch bắt lại, tra tấn dã man, tháng 12/1948, khi đang khuân vác đá tại công trường, ông Nguyễn Đức Minh cùng đồng đội lợi dụng địch sơ hở đã chạy lên rừng, tìm cách trốn thoát. Ban ngày trốn trên rừng, đêm xuống lại xuống đồng bằng kiếm đồ ăn, khi là cây mía, lúc là củ sắn và uống nước suối cầm cự. Hơn một tháng, vượt hơn 200km đường bộ ông đã về tới cơ sở Công an Hà Nội khi đó đóng tại Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Sau đó, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở ven thủ đô kháng chiến.

Bồi hồi con đường về Hà Nội

Một trong những ký ức không thể quên đối với Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh là ngày 10/10/1954 giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ông tham gia đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô với nhiệm vụ tiếp quản nhà lao Hỏa Lò và trụ sở của Nha Cảnh sát Công an Bắc Việt (số 87 phố Trần Hưng Đạo) - nơi mà ông và các đồng đội đã từng bị tra tấn và giam giữ.

Tướng Nguyễn Đức Minh bồi hồi kể lại: Năm 1954, đang công tác tại Hòa Bình thì tôi nhận được tin Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, 80 ngày nữa sẽ được về Hà Nội. “Anh em chúng tôi chủ yếu là người Hà Nội đi kháng chiến, nên nghe vậy mừng không sao tả xiết. Đêm nằm bên ngọn đèn dầu leo lét trong rừng già mà cứ mơ tưởng, kể với nhau chuyện thời học sinh, chuyện phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, bờ Hồ Hoàn Kiếm” - ông Nguyễn Đức Minh kể lại. “Nói với nhau mãi không hết chuyện, mong mỏi sớm nhất là sớm được về xem Hà Nội của mình bây giờ ra sao”.

Được lệnh di chuyển, ông Minh và đồng đội hành quân từ Hòa Bình về Hà Đông. “Tuy mệt nhưng chúng tôi vẫn đùa vui: “Nếu cấp trên cho cuốc bộ thẳng về Hà Nội thì chắc chỉ đến tối là đến Chợ Mơ, leo tàu điện lên thẳng Bờ Hồ”.

Ông Nguyễn Đức Minh và đồng đội được may mỗi người một bộ quần áo kaki 4 túi, rồi được học 10 điều kỷ luật khi về tiếp quản Thủ đô, lại được nhận mỗi người một phù hiệu của Ủy ban Quân quản Hà Nội - ngạch Công an.

Chiều 10/10, được lệnh trang phục chỉnh tề, đeo phù hiệu, lên xe ô tô về tiếp quản Hỏa Lò, các chiến sĩ không khỏi bồi hồi. “Nhớ lại câu “đêm ra đi đất trời bốc lửa, cả đô thành nghi ngút khói sau lưng”, 8 năm kháng chiến gian khổ, bây giờ chiến thắng trở về, là lần đầu thấy chiếc ô tô của quân ta, chiếc Môlôtôva của Liên Xô sao mà hiện đại, thân thiết đến thế” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tâm sự.

“Chúng tôi ngồi trên xe mà lòng rộn rã đếm từng cây số trên quốc lộ. Đây là chợ Tía, đây là Bốt Chùa Thông nơi ranh giới nhiều năm ta và địch quần nhau, biết bao đồng đội đã hy sinh ở những mốc giới này. Đây là Quán Gánh là nơi anh em từ nội thành qua Hoàng Mai, Tương Mai, Đền Lừ tránh bốt địch Văn Điển vào đêm vượt quốc lộ 1 sang Ước Lễ, về Đồng Quan. Đây là bốt Văn Điển kiên cố địch khống chế toàn bộ Thường Tín và con đường ta xâm nhập từ vùng tự do về nội thành. Đây rồi sân bay Bạch Mai, đây bốt Vọng, bây giờ đã rực đỏ sao vàng. Đây Ga Hà Nội mà năm 1948 đoàn 100 tù Hỏa Lò từng xếp hàng ra tàu đi Hải Phòng, sang Quảng Ninh…”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh như đang trở lại những giờ ngồi trên chuyến xe về Hà Nội. Đã 65 năm trôi qua, dòng hồi ức của ông vẫn cuồn cuộn đầy cảm xúc.

“Bật khóc trong đêm khi về chốn cũ”

Ngày nay, khách tham quan Nhà tù Hỏa Lò vẫn thấy dòng chữ Maison Central ngay tại cổng. Không mấy ai biết, dòng chữ ấy đã khiến người cựu tù Nguyễn Đức Minh xúc động như thế nào, vào đêm 10/10 khi xe chở ông cùng đồng đội tới nơi.

“Xe chở các chiến sĩ vào thẳng trong sân, nhưng chỉ tích tắc vượt qua dòng chữ Maison Central ghi trên cổng, biết bao cảm xúc buồn vui cùng lúc ùa về" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ lại. Các chiến sĩ được bố trí ăn ngủ ở tầng 2, nơi giám thị và phó giám thị người Pháp ở trước khi chúng tôi rút đi.

“Sắp xếp xong chỗ ăn ngủ, tôi đứng ra cửa sổ buồng cũ của tên giám thị người Pháp nhìn xuống sân nhà tù Hỏa Lò, biết bao kỷ niệm, hồi ức, cảm xúc ùa về. Nhớ lại năm bị địch bắt giam. Nhớ lại cảnh ăn đói, ốm đau bệnh tật suýt chết, nhờ đồng đội kiếm thuốc, nấu cháo cho ăn, nằm ở gần nhà vệ sinh hôi thối suốt đêm, lại còn kỷ niệm 3 ngày được tắm 1 lần bằng nước rửa rau theo công thức “2 ca ra kỳ, 4 ca dội” nên chỉ một tháng sau tôi và anh Minh Đông hắc lào đầy người. Ngày đó, nhiều lúc nhìn đàn chim sẻ hót líu lo trên cây bàng giữa sân trại tung bay tự do trên bầu trời, tôi ao ước được như con chim sẻ bay tự do khỏi vòng tù tội” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể. “Chính nhờ 8 năm trường kỳ kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, mồ hôi xương máu của toàn quân, toàn dân, nước mình đã giành được độc lập tự do, mình mới có ngày này được đứng ở đây”.

“Đã quá nửa đêm, trời vào thu lành lạnh, tôi trở về chỗ ngủ. Có lẽ do chỗ nằm mới lạ, đèn điện sáng choang cộng với những cảm nghĩ của “ngày chiến thắng trở về”, nên trằn trọc mãi không ngủ được lại nhớ đến anh em đồng chí đồng đội, nhất là tổ 3 người Công an Quận 6 Hà Nội (Khâm, Trọng, Quang, Sĩ Vân), treo cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa đúng ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1948), làm vang dội cả Hà Nội. Nay cả tổ không còn ai: Quang và Khâm thì bị địch đưa lên bốt Phùng bắn chết, Sĩ Vân thì bị đầy lên Khe Tù (Tiên Yên, Quảng Ninh) cùng với mình, trốn tù không thoát đã bị tra tấn, ốm đau đến chết đầu năm 1949; lại nhớ đến Thủ trưởng điệp báo Phan Khắc Trình bị địch bắt tra tấn đến chết; anh Đặng, phó Ban phản gián bị địch bắt, thủ tiêu bí mật… nước mắt lại trào ra”. Nhắc lại những ngày tháng cũ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh không kiềm chế được niềm xúc động.

“Sau 8 năm chiến đấu gian khổ, đêm đầu tiên ở Hỏa Lò với tâm thế là công dân tự do cảm giác thật khó quên. Tôi không tài nào ngủ được, phần vì quen với đèn dầu, ở rừng, nay ngủ ở phòng tên giám thị Pháp trước đây, đèn điện sáng choang, phòng ốc rộng rãi. Một phần phấn chấn vì ngày trước là tù nhân, nhìn lên gác phòng giám thị không nghĩ rằng có một ngày mình lại là dân của một nước độc lập, đuổi nó đi để chiếm chỗ của nó. Nhưng rồi lại bật khóc khi nhớ tới những người bạn thân, đồng đội, đã không còn nữa để chứng kiến ngày hôm độc lập”.

Năm 1964, khi đang công tác ở Cục Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1965 ông có mặt tại chiến trường Khu VI, phụ trách Tiểu ban Điệp báo An ninh Khu VI.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, ông được điều động ra công tác tại Hà Nội. Trong quãng thời gian 10 năm công tác tại Ban An ninh Khu VI, không ít lần ông Minh phải đối mặt với tình thế gian nan, cái chết chực chờ nhưng hừng hực khí thế chiến đấu, mong chờ ngày đất nước độc lập.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 3/ 2016 và năm 2018, được Nhà nước trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

 

Thu Trang
Triển lãm và workshop mỹ thuật quốc tế 'Hà Nội một kết nối nghệ thuật'
Triển lãm và workshop mỹ thuật quốc tế 'Hà Nội một kết nối nghệ thuật'

Chiều 9/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và nhóm nghệ sỹ Asia Art Link đã tổ chức họp báo giới thiệu về Triển lãm và workshop Mỹ thuật quốc tế “Hà Nội một kết nối nghệ thuật” năm 2019 (Hanoi Art Connecting - 2019).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN