Với tinh thần dám nghĩ dám làm, từ hai bàn tay trắng, đến nay, mô hình trồng hoa cẩm cù của gia đình anh Huân đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Trước đó, anh Huân là kỹ sư xây dựng có công việc ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, công việc ở Thành phố ngày một khó khăn, anh và vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Sen quyết định trở về quê. Sau thời gian phụ giúp chị gái trồng hoa, anh Huân bắt đầu “bén duyên” và đam mê với vẻ đẹp loài hoa cẩm cù. Anh Huân chia sẻ, cẩm cù còn được gọi là lan cẩm cù, là loại cây dây leo, thân mềm, lá dày. Đây là một trong những loài hoa treo giàn, dễ di chuyển, thích hợp trang trí, tạo kiểu ở nhiều nơi, kể cả nơi có không gian chật hẹp. Tại Việt Nam có khoảng 500 loại cẩm cù khác nhau, được phân biệt dựa theo hình thái, màu sắc của hoa và đặc điểm lá.
Anh Huân chia sẻ, hoa cẩm cù kết chùm, thường nở quanh năm và lâu tàn (trung bình từ 7-10 ngày). Một cây có thể cho rất nhiều chùm hoa, đặc biệt hơn tại vị trí còi hoa cũ (nơi ra nụ để phát triển thành hoa) sẽ nở hoa lại rất nhiều lần. Mùi hương của cẩm cù cũng rất đa dạng và khác biệt, có cẩm cù thơm tinh tế, có loài sâu lắng, có loại lại hăng hắc nồng.
Như bị thôi miên bởi vẻ đẹp tinh khiết, nhiều màu sắc, anh Huân bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loài hoa này. Lúc đầu, vốn ít, anh đầu tư giàn treo trước nhà rộng hơn 20 m2 để trồng và ươm giống. Anh Huân tâm sự, cũng như phần lớn những người chập chững khởi nghiệp, anh thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nhiều lần cây bị sâu bệnh, nấm gây hại, héo và chết dần. Không nản lòng, anh vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, tìm hiểu, nắm vững đặc tính từng loài và từng bước làm chủ được kỹ thuật. Đồng thời, anh mạnh dạn nhập các giống cẩm cù có giá trị kinh tế cao từ nước ngoài về để thuần hóa với khí hậu Bến Tre.
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, anh Huân từng bước mở rộng quy mô lên hơn 1.500 m2, trong đó có một nhà giàn ươm 3 tầng, mỗi tầng có diện tích mặt sàn 144 m2 do chính anh tự thiết kế, xây dựng để giảm chi phí đầu tư. Hiện anh đang sở hữu vườn cẩm cù hơn 500 nghìn cây với 300 loại khác nhau và đã thành lập được công ty riêng để vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu chính ngạch sang các nước như: Mỹ, Canada, Pháp, Singapore… Ước tính mỗi năm, anh xuất bán khoảng 200 nghìn cây các loại, mang về lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 4 nhân công và 2 lao động thời vụ.
Để đa dạng hóa cây trồng cung ứng cho thị trường, vợ chồng anh Huân còn tận dụng các khoảng không, mạnh dạn trồng lan nuôi cấy mô và các loại kiểng lá. Đặc biệt, anh Huân còn ấp ủ dự án sản xuất các chậu hoa gáo dừa thân thiện với môi trường. Dự kiến đến cuối 2023, anh sẽ đưa ra thị trường 15.000 - 20.000 cây hoa lan trồng trong chậu gáo dừa.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Bí thư xã Đoàn Phú Phụng cho biết, đây là mô hình khởi nghiệp đạt hiệu quả kinh tế. Huân luôn sẵn sàng chia sẻ, cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật để các thanh niên tại địa phương học tập, khởi nghiệp. Thời gian tới, xã Đoàn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ về vốn vay để thanh niên an tâm sản xuất; kết nối mở rộng thị trường; thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp để các bạn trẻ chia sẻ, giao lưu, học tập lẫn nhau. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên trên địa bàn, giúp họ yên tâm tham gia công tác Đoàn tại địa phương.