Để sự sống được nối dài - Bài cuối: Lan tỏa phong trào 'Cho đi là còn mãi'

Cách đây 2 năm, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, trú tại Hà Nội) đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời như một đốm lửa nhỏ phát đi thông điệp “Hãy hiến tạng cứu người”. Từ đó phong trào “cho đi là còn mãi” cũng trở thành làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Khi các em học sinh “gieo mầm thiện”

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký hiến mô tạng, hiện xác cho khoa học tại chùa Giác Ngộ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Tháng 11/2019, một buổi báo cáo đặc biệt đã diễn ra tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Du (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đó là buổi báo cáo nghiên cứu khoa học với chủ đề “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô tạng ở học sinh trung học phổ thông” của hai học sinh Phạm Hùng và Đinh Hữu Thiên Phúc, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Du. Lần đầu tiên tại một trường học đã có học sinh nghiên cứu về việc hiến tạng cứu người.

Phạm Hùng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, chia sẻ: "Cách đây một năm, những thông tin về việc cô bé Hải An, 7 tuổi, hiến giác mạc để giúp cho hai người khác được sáng mắt đã để lại ấn tượng mạnh trong em. Từ đó, em bắt bắt đầu tìm hiểu về vấn đề hiến tạng trong cộng đồng. Càng tìm hiểu, em càng thấy nhiều câu chuyện hiến tạng cứu người có sức lan tỏa lớn, thế là em nghĩ đến làm một nghiên cứu nhỏ, khảo sát tại ba trường học trên địa bàn để tìm hiểu và giúp thay đổi nhận thức của các bạn học sinh khác”.

Đề tài nghiên cứu khoa học đã thành công khi nhiều học sinh, giáo viên, thậm chí cả phụ huynh học sinh, đã bắt đầu thay đổi nhận thức, cởi mở hơn và sẵn sàng hiến tạng cứu người sau khi qua đời. Những hạt mầm nhân văn đã được gieo  trên mảnh đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đề tài nghiên cứu của hai học sinh, 20 thầy cô giáo và hai phụ huynh của Trường THPT Nguyễn Du đã cùng đăng ký hiến tạng cứu người.

Có mặt tại buổi báo cáo nghiên cứu khoa học và trao thẻ đăng ký hiến tạng, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người  (Bệnh viện Chợ Rẫy) xúc động chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị tham gia hoạt động ý nghĩa như thế này tại một trường học. Với cán bộ điều phối ghép các bộ phận cơ thể người thì niềm vui sướng nhất là đã có sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về vấn đề hiến tạng.

Cũng theo bác sỹ Thu, ở các nước phát triển, trẻ em dưới 18 tuổi được phép hiến tạng nhưng ở Việt Nam luật quy định chỉ chấp nhận cho người 18 tuổi trở lên hiến tạng. Đây là một trong những rào cản khiến cho việc hiến tạng cứu người trở nên bị bó hẹp.

“Chúng tôi từng nghĩ rằng phải trong một tương lai rất dài mới có thể thực hiện được việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề hiến tạng, thế nhưng, không ngờ rằng ngay cả các em học sinh ở lứa tuổi còn nhỏ cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Như vậy chúng ta có thể hy vọng trong tương lai không xa, phong trào hiến tạng cứu người sẽ trở nên phổ biến”, bác sỹ Thu chia sẻ.

Hưởng ứng tinh thần “gieo mầm thiện” của hai học sinh, trong thời gian qua Trường THPT Nguyễn Du đã tổ chức các cuộc thi kể chuyện, hùng biện, kịch hóa những nhân vật điển hình, lan tỏa trong cộng đồng mạng qua các video, kênh Youtube với nhan đề “Nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình”, “Lan tỏa việc hiến tặng mô tạng”... Những hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ thầy cô, học sinh.

Lan tỏa phong trào hiến tạng

Chú thích ảnh
Người dân đến đăng ký hiến mô tạng tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 10.000 người suy gan, thận cần ghép tạng thay thế, khoảng 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc và hàng ngàn người mắc bệnh suy tim. Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng để ghép, vì thế rất nhiều người bệnh đang phải vật lộn duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi từng phút để được ghép tạng.

Hiến tặng mô tạng sau khi qua đời không còn là điều xa lạ trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Những năm 2007-2008, việc hiến giác mạc sau khi qua đời xuất phát từ một số người dân xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã là những mồi lửa nhỏ cho phong trào này. Từ những năm 2015 trở về sau, những trường hợp hiến tạng như bé Nguyễn Hải An, Thiếu tá Lê Hải Ninh… đã tạo nên “cơn địa chấn” trong cộng đồng. Từ đó, phong trào hiến tạng bắt đầu được nhiều người biết đến và hưởng ứng.

Tại tỉnh Ninh Bình, địa phương đầu tiên có phong trào hiến tặng giác mạc rộng khắp, đã có trên 15.000 đơn đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong đó đã có 235 người hiến giác mạc và hai người hiến tạng đem lại ánh sáng, sự sống cho hàng trăm người bệnh.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 13.000 đơn đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Đặc biệt, phong trào này thu hút sự tham gia của một số văn nghệ sĩ như MC Quyền Linh, ca sĩ Ngọc Sơn, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ Hari Won, MC Minh Hà...

Mới đây nhất, diễn viên điện ảnh Việt Trinh cũng đã đặt bút đăng ký hiến tạng. “Cách đây ít lâu, tôi xem được một đoạn video kể về câu chuyện một người vợ quyết định hiến tạng của chồng mình để cứu 5 người xa lạ, đó cũng là lúc tôi quyết định sẽ hiến tạng với mong muốn được làm một điều gì đó có ích cho xã hội sau khi qua đời”, diễn viên Việt Trinh tâm sự.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong 6 năm qua, Trung tâm đã vận động được hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Chỉ tính riêng trong năm 2019 đã có 10.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Điều đó cho thấy hành động nhân văn này đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi hơn.

Hiến tạng sau khi qua đời, trao tặng cho người khác món quà quý giá của sự sống đã bắt đầu “đâm chồi nảy lộc” trong nhận thức của nhiều con người Việt Nam với tâm niệm "Cho đi là còn mãi".

Đinh Hằng - Xuân Khu (TTXVN)
Để sự sống được nối dài - Bài 2: Nỗi oan người hiến tạng
Để sự sống được nối dài - Bài 2: Nỗi oan người hiến tạng

Hiến tạng người thân của mình để cứu người bệnh là hành động mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Thế nhưng, nghĩa cử ấy đang bị không ít người hiểu nhầm là bán tạng người thân lấy tiền. Nỗi oan này một lần nữa như xát muối vào lòng những người vốn đã đau đớn vì mất đi người ruột thịt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN