Đam mê sáng tạo, giúp người nông dân khấm khá hơn

Mọi người thường thân mật gọi ông là "kỹ sư già" bởi năm nay tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn tràn đầy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp…

Ông Vũ Hữu Lê thiết kế bản vẽ chế tạo máy mới. Ảnh: Đỗ Tuấn Anh/TTXVN

Sau vài cuộc điện thoại hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông ngay tại xưởng chế tạo máy móc xây dựng cách đây gần 30 năm. Ông là Vũ Hữu Lê, sinh năm 1935, trong một gia đình nông dân ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Năm 1953, ông tham gia lớp học về cầu đường, sau đó tham gia xây dựng đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Năm 1958, sau khi học xong khóa đào tạo về thủy lợi, ông được phân công lên Yên Bái làm công tác thủy lợi, chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Tại đây, ông đã đề xuất nhiều phương án khai thác các công trình thủy lợi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thấy được năng lực và nhiệt huyết của ông, năm 1964, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã cử ông tham gia khóa học về cơ khí chế tạo máy tại Liên Xô. Trở về nước năm 1971, ông được phân công làm Phó Giám đốc, sau đó là Giám đốc Nhà máy Cơ khí Hoàng Liên Sơn. Được làm việc đúng sở trường của mình, ông luôn tâm nguyện phải chế tạo thật nhiều dụng cụ, máy móc, thiết bị cải tiến phục vụ nông nghiệp và các ngành kinh tế khác của tỉnh, tham gia chế tạo một số vũ khí cho lĩnh vực quốc phòng.

Năm 1990, ông về hưu với quyết tâm mở xưởng cơ khí cho riêng mình. Khi đó, trong tay chỉ có 1 triệu đồng và một chiếc xe máy cũ, ông đã đi buôn sắt vụn để lấy vốn "lập nghiệp". Sau đó, ông thu nhặt thiết bị cũ về phục hồi, cải tiến và làm cái cuốc, cái xẻng để "tích" vốn mua thiết bị, xây dựng xưởng. Khi đã có thiết bị nhà xưởng trong tay, ông mạnh dạn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí và xây lắp Hồng Hà. Từ năm 2008 đến nay, Công ty của ông đã tập trung vào việc nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp.

Ông nhận thấy Yên Bái và các tỉnh lân cận có thế mạnh phát triển cây chè nhưng giá thành thiết bị chế biến chè nhập khẩu lại quá đắt so với khả năng tài chính của người dân, điển hình như máy vò chè kiểu Liên Xô - Ấn Độ có giá từ 200 - 300 triệu đồng. Bởi vậy, ông luôn trăn trở làm sao phải chế tạo được thiết bị này để giúp nông dân. Theo đó, ông tìm đến tận nơi có chiếc máy nhập khẩu để tìm hiểu và đề nghị họ cho tháo máy ra nghiên cứu, cải tiến, chế tạo thử. Sau 2 năm, xưởng của ông đã chế tạo thành công hàng loạt máy chế biến chè mi-ni mà giá thành chỉ bằng 20 - 30% so với giá nhập ngoại trong khi công suất và chất lượng làm ra chè tương đương với máy nhập ngoại, lại rất phù hợp sản xuất nông hộ.

Đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí và xây lắp Hồng Hà đã chế tạo, cung cấp hàng nghìn máy cho các gia đình, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè trên khắp các tỉnh, thành miền Bắc và tỉnh Lâm Đồng. Giờ đây, đến vùng chè nào cũng có sự hiện diện của máy chế biến chè có "xuất xứ" từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí và xây lắp Hồng Hà.

Không dừng ở đó, thấy vùng đất Yên Bái có nhiều sản vật đầy tiềm năng mà chưa khai thác hiệu quả như quế, dong riềng, nghệ, ông đã cùng cộng sự chế tạo ra hàng chục loại máy phục vụ chế biến nông sản như: máy đùn ép miến, máy băm cành quế, nồi chưng cất tinh dầu quế mi-ni. Những loại máy này được ông nghiên cứu, chế tạo với phương châm dễ sử dụng, giá phù hợp với khả năng của nông dân.

Ngoài xưởng chế tạo máy nông lâm nghiệp, ông còn lập thêm xưởng thực nghiệm (lấy tên là Hợp tác xã ứng dụng khoa học). Đây vừa là nơi thực nghiệm máy móc, thiết bị mới, vừa là nơi hướng dẫn nông dân cách sử dụng những loại máy móc đó. Nhiều loại máy do ông nghiên cứu, chế tạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền. Hàng năm, Công ty bỏ ra hàng trăm triệu đồng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, phát triển những loại máy mới.

Với tâm niệm phải làm sao giúp người nông dân có cuộc sống khấm khá hơn..., sau một thời gian tìm hiểu nghiên cứu, ông đã đưa được dự án trồng nấm của Anh quốc về cho 150 hộ dân; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thực hiện Nghị định 63, 65, 68 của Thủ tướng Chính phủ về mua thiết bị sản xuất sau thu hoạch được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Đến nay, một số hộ nông dân, doanh nghiệp ở tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận đã vay được số tiền gần 3 tỷ đồng để mua máy móc. Nhờ cơ chế của công ty như bán trả chậm, trả bằng sản phẩm do nông dân làm ra, đến nay nhiều hộ nông dân của Yên Bái và các tỉnh lân cận đã thoát nghèo, nhiều hộ đã giàu lên...

Công ty của ông đã hoạt động được 20 năm, có lúc phải hứng chịu "bão táp" của thị trường tưởng như không trụ vững nhưng với quyết tâm của mình và sự giúp đỡ của bạn bè, các bạn hàng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí và xây lắp Hồng Hà vẫn đứng vững, không ngừng phát triển.

Ông Vũ Hữu Lê trao đổi công việc với công nhân xưởng máy bào. Ảnh: Đỗ Tuấn Anh/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các cơ quan ở Trung ương đánh giá cao và trao nhiều giải thưởng, Bằng khen, Giấy khen… cho Công ty của ông. Cá nhân ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015 và vinh dự được chọn là một trong những đại biểu của tỉnh Yên Bái đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn là người sáng tạo không chuyên. Năm 2016, ông đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái, là Chiến sỹ thi đua tỉnh Yên Bái. Vinh dự hơn nữa, ông là một trong 70 điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tổ chức vào tháng 6/2018.

Anh Cao Ngọc Triệu, công nhân xưởng máy bào cho biết: Bác Lê luôn tận tụy, hết mình vì công việc. Bác sống tình cảm, luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của từng công nhân. Bất cứ gia đình công nhân nào có việc hiếu hỉ hay ốm đau, bác đều đến thăm hỏi, động viên. Công việc của anh em vất vả nhưng nhìn gương bác, chúng tôi nguyện phấn đấu hết lòng vì công ty...


Chia sẻ về "người thủ lĩnh già" của công ty, chị Đỗ Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Trách nhiệm hữu hạn cơ khí và xây lắp Hồng Hà nói: Ngoài niềm say mê trong công việc, bác Lê còn quan tâm đặc biệt đến các hoạt động của Công đoàn công ty. Chính vì vậy, quyền lợi của công nhân lao động luôn được đảm bảo. Năm 2012, công ty đã hỗ trợ cho một công nhân 20 triệu đồng để xây dựng nhà ở; năm 2013, hỗ trợ Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái 20 triệu để thực hiện Chương trình "Mái ấm Công đoàn”.

Ngoài ra, Công ty còn tham gia nhiều chương trình từ thiện, tài trợ và ủng hộ các tập thể, các quỹ bằng tiền mặt, hiện vật với số tiền hàng chục triệu đồng như tài trợ Quỹ khuyến học xã Nam Cường 20 triệu, tài trợ cho các hộ nghèo ở xã Tân Thịnh, xã Nam Cường và huyện Văn Chấn (Yên Bái) 3 hệ thống máy chế biến chè mi-ni với tổng trị giá 30 triệu; tài trợ cho các hộ nghèo Yên Bái 3 bộ vì kéo thép, cột thép với tổng trị giá 10 triệu...

Tuổi đã cao nhưng với niềm đam mê của mình, ông Vũ Hữu Lê vẫn ngày đêm lăn lộn ở xưởng cùng với gần 30 công nhân, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thêm nhiều loại máy móc. Là giám đốc một công ty cơ khí mạnh, được nhiều giải thưởng uy tín nhưng ông sống giản dị và khiêm tốn. Ông luôn canh cánh một nỗi niềm, cơ khí là cái nôi, là then chốt của sự sáng tạo nên ông mong mỏi Nhà nước có chính sách khuyến khích lớp trẻ, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Việt Dũng (TTXVN)
Hiến 4.000m2 đất cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông
Hiến 4.000m2 đất cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông

Ở bon Đắk R’Moan, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, anh Điểu Tam (sinh năm 1973, người dân tộc M’nông) được mọi người tin yêu, kính trọng. Trong cuộc sống, Điểu Tam là tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN