Nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng ngay trong dịp Tết

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 đột ngột tăng cao, với mức tăng 1,25% so với tháng trước, khiến nhiều ý kiến lo ngại xu hướng lạm phát tăng cao. Vừa qua, các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước đã họp để đánh giá tình hình giá cả thị trường tháng 1, đưa ra dự báo cho cả năm cùng những giải pháp kiềm chế giá tiêu dùng ngay trong dịp Tết.

 

CPI tăng không bất thường


Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng CPI 1,25% của tháng 1/2013 là bất thường. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường, ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phân tích: CPI tháng 1 tăng cao chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại 10 địa phương, làm tăng CPI cả nước khoảng 0,37%. Vì thế, nếu không có việc tăng phí dịch vụ y tế thì CPI chỉ tăng khoảng 0,9% - mức tăng phù hợp với quy luật của nhiều năm trước. Bên cạnh đó, tháng 1, giá thực phẩm cũng tăng cao vì là tháng giáp Tết, nhu cầu người dân chuẩn bị mua sắm cuối năm tăng.


Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cũng nhận định: CPI tháng 1/2013 tăng không đột biến, phù hợp với quy luật mọi năm (CPI tháng 1/2010 tăng 1,35%; CPI tháng 1/2011 tăng 1,37 %). Nếu loại trừ tăng giá dịch vụ y tế thì CPI tháng 1/2013 còn có khả năng tăng thấp hơn các năm trước.


Tuy nhiên, các thành viên Tổ điều hành thị trường đều lưu ý, không thể chủ quan, bởi CPI trong tháng 1 tăng mạnh trong bối cảnh cầu yếu, sức mua trên thị trường chưa tăng cao. Trong thời gian tới, nếu lơ là công tác điều hành giá cả thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.

 

Năm 2013, khó kiềm chế CPI dưới 8%?


Dự đoán về năm 2013, các thành viên trong Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, hiện nay các địa phương đã chủ động chuẩn bị hàng hóa Tết, hỗ trợ cho các DN tham gia dự trữ hàng bình ổn, vì thế thị trường trong dịp Tết không đáng lo ngại, tuy nhiên cần đảm bảo hàng hóa sau Tết nếu không giá cả sẽ tăng cao như mọi năm.


 

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

 

Một trong những yếu tố có thể làm tăng CPI trong năm 2013, là hai thành phố lớn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giá dịch vụ y tế, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI cả nước. Bên cạnh đó, năm 2013, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng thiết yếu là điện và xăng dầu.


Còn theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, hiện một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật dự kiến sẽ thực hiện gói kích cầu. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Hơn nữa, trong năm 2013, chính sách cho vay mua nhà để “phá băng” thị trường BĐS cũng sẽ gây ảnh hưởng đến việc kiềm chế tăng CPI.


Dự báo CPI tháng 2, tháng có Tết âm lịch, tăng thấp hơn 1,5%. Nếu như vậy, riêng CPI tháng 1 và 2 đã khoảng 3%, và với những bất lợi trên thì các chuyên gia dự đoán năm 2013 khó khống chế CPI dưới 8%.

 

170.000 - 180.000 tỷ đồng hàng hóa cho tháng Tết


Ngày 18/1/2013, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp đánh giá, rà soát cân đối cung cầu hàng hóa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Hai bộ đã rút kinh nghiệm từ việc điều hành, bình ổn giá trứng, theo đó cần kịp thời và có sự đồng thuận trong chỉ đạo điều hành, đồng thời cần có sự quyết liệt, sâu sát của chính quyền địa phương, sự kiên định của các nhà phân phối trong nước, sự đồng tâm của các DN tham gia chương trình bình ổn giá để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý.


Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, hiện các địa phương, DN và hộ kinh doanh đã chủ động nhập hàng Tết như: xăng dầu, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, gạo, thực phẩm, dầu ăn… đảm bảo nhu cầu trong dịp Tết. Năm nay, công tác chuẩn bị Tết được các địa phương, DN gắn kết hiệu quả với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các DN cũng có nhiều cách làm mới với việc tổ chức các lễ hội bán hàng Việt, gói quà thuần Việt, các chương trình kết nối đưa hàng Việt ra thị trường… nhằm quảng bá và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt trong dịp Tết.


Tính đến nay, đã có 37 địa phương triển khai chương trình bình ổn giá với tổng số vốn cho vay dự trữ hàng hóa là 1.552 tỷ đồng. Bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn, hàng hóa Tết được các địa phương, các DN lên kế hoạch chuẩn bị với giá trị cao hơn mức tiêu thụ của tháng bình thường từ 15 - 20% và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5 - 10%.


Ước tính, giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho tháng Tết khoảng 170.000 - 180.000 tỷ đồng.


Thanh Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN