Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đang rốt ráo thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, kiểm soát giá cả thị trường; đồng thời chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường.
Doanh nghiệp sẵn sàng
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), doanh nghiệp (DN) ngành công thương đã chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết. Cụ thể: Tổng công ty (TCT) Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã lên kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong dịp Tết Quý Tỵ khoảng 122 triệu lít bia (tăng 9,39% so với năm trước) và khoảng 6 triệu lít rượu các loại. TCT Thuốc lá Việt Nam dự kiến chuẩn bị nguồn hàng 624 triệu bao thuốc lá điếu (tăng 45%) và 8.900 tấn bánh kẹo các loại (tăng 48% so với năm 2011).
Hệ thống siêu thị tích cực tham gia cung ứng, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Để đảm bảo lượng hàng trong dịp Tết (tháng 2/2013), Tập đoàn Xăng dầu dự kiến lượng hàng nhập khẩu trong tháng 1/2013 là 704.000 m3/tấn xăng dầu các loại. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN/PVGas sẽ nhập khẩu khoảng 50.000 tấn khí hóa lỏng (LPG) trong tháng 12/2012 và tháng 1/2013. Với sản lượng LPG sản xuất hàng tháng khoảng 22.000 tấn, PV Gas có thể cung cấp cho thị trường khoảng 64.000 tấn LPG mỗi tháng, đáp ứng khoảng gần 60% nhu cầu thị trường.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho biết: Dự kiến cuối tháng 11/2012, siêu thị Big C sẽ hoàn tất việc đàm phán với các nhà cung cấp về nguồn hàng phục vụ Tết, số lượng hàng hóa, các chương trình khuyến mãi, giá cả… Tại hệ thống nhà bán lẻ Saigon Co.op, cùng với các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn khác, DN đã có kế hoạch tăng cường các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân mua sắm Tết, đặc biệt các điểm ngoại thành, vùng xa.
Sôi động dự trữ hàng hóa bình ổn
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Năm nay kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán chỉ tăng nhẹ (khoảng 10%) so với dịp Tết năm truớc. Tuy nhiên, nhu cầu dự trữ hàng hóa bình ổn trong dịp Tết tại các tỉnh, thành phố vẫn được các DN hưởng ứng khá cao.
Do nguồn lực tài chính khác nhau nên kinh phí dành cho Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại mỗi địa phương cũng có sự khác biệt: Hà Nội là 376 tỷ đồng, TP.HCM 262,2 tỷ đồng, Cần Thơ 40 tỷ đồng, Bắc Giang 40 tỷ đồng, Quảng Ninh 30 tỷ đồng… Tại hầu hết các địa phương, chương trình chủ yếu tập trung vào tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Giá thịt sẽ tăng do cung yếu Theo Bộ Công Thương, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm từ đầu năm đến nay tương đối ổn định do nguồn cung dồi dào, giá các mặt hàng tiêu dùng khác như bánh kẹo, đồ uống, hàng may mặc… cũng tăng không đáng kể. Tuy nhiên, riêng đối với nhóm hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, trứng trong các tháng đầu năm vừa qua hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi chi phí sản xuất còn cao (lãi suất vốn vay, giá thức ăn chăn nuôi…) thì giá thịt liên tục giảm và đặc biệt giảm mạnh, khó tiêu thụ trong giai đoạn có thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và ảnh hưởng từ hoạt động nhập lậu gia cầm qua biên giới. Điều này đã khiến hoạt động chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ chuồng trại dẫn tới nhiều lo ngại về nguồn cung thực phẩm trong các tháng cuối năm 2012 và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm, trong tháng 8/2012, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động chăn nuôi, tuy nhiên tới nay các hộ, các trang trại chăn nuôi vẫn khó tiếp cận được gói hỗ trợ. Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn do đã đầu tư vào chuồng trại nên không thể ngừng hoạt động mà vẫn tiếp tục duy trì nhưng giảm quy mô, sản lượng, các đối tượng ngừng chăn nuôi chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng cung thịt trong dịp Tết Nguyên đán nếu không có các giải pháp kịp thời. Ngoài ra, do phần lớn hoạt động chăn nuôi sẽ tập trung chuẩn bị cho cung hàng vào dịp Tết Nguyên đán nên trong giai đoạn trước Tết, lượng cung thịt cho thị trường có thể giảm và giá các loại thịt sẽ bắt đầu tăng trong giai đoạn này cho đến cận Tết. |
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: Tại Hà Nội, số tiền 376 tỷ đồng được tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố cho các DN vay không lãi suất để dự trữ 10 mặt hàng. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn khác, DN cũng đã chủ động tăng mức dự trữ hàng hóa đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong vòng một tháng. 10 nhóm hàng thiết yếu được thành phố Hà Nội lựa chọn bao gồm: gạo tẻ thường (6.000 tấn), thịt lợn (900 tấn), thịt gà (350 tấn), trứng gà vịt (6 triệu quả), thủy hải sản (450 tấn), dầu ăn (1.300 nghìn lít)… Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Quý Tỵ tăng khoảng 18 - 20% so với các tháng trong năm.
Không chỉ các DN tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường được nhận vốn mà các trung tâm thương mại, siêu thị, một số tổng công ty như: Metro, Big C, Co.op mart, Fivimart, Intimex... cũng có kế hoạch dự trữ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng khoảng 2.300 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, Big C Thăng Long đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Quý Tỵ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái với nhiều mặt hàng như: Bánh mứt kẹo, giò chả, bánh chưng, bánh tét, trái cây, rau củ quả, các loại hạt ăn trong dịp Tết, đồ trang trí nhà cửa...
Tại Saigon Co.op, ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc DN cho biết, đơn vị đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Cụ thể, tổng lượng hàng hóa Co.op dự trữ, cung ứng cho thị trường Tết khoảng 38.000 tấn, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Nhân, hiện công tác ứng vốn và triển khai dự trữ hàng cho dịp Tết đang diễn ra theo đúng tiến độ và đảm bảo tổng lượng dự trữ, trong đó gồm 11.000 tấn gạo, 3.800 tấn đường, 4.400 tấn dầu ăn…
Tuy nhiên, cũng không ít DN nhỏ khá dè dặt trong việc tăng lượng hàng sản xuất, dự trữ phục vụ Tết vì lo sức mua yếu. Một số DN sản xuất thực phẩm chế biến sẵn chuẩn bị luợng hàng tương đương Tết năm ngoái; một số DN dự trữ dưới dạng nguyên liệu và theo dõi tình hình thị trường, nếu sức mua tốt sẽ đóng gói thành phẩm thêm. Tương tự, các DN sản xuất, các tiểu thương tại các chợ lớn kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, đồ khô… tới nay cũng chưa vội trữ hàng mà chỉ bán hết đến đâu nhập hàng đến đó để hạn chế đọng vốn.