“Những người viết huyền thoại” cứu Liên hoan phim

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 đã khép lại với hai giải Bông Sen Vàng được trao ở thể loại phim truyện điện ảnh là “Scandal- Bí mật thảm đỏ” và “Những người viết huyền thoại”.

Việc trao đồng giải vàng cho hai bộ phim ở hai đề tài đương đại và chiến tranh cho thấy, Ban giám khảo đã chọn giải pháp an toàn cho một LHP vốn diễn ra ảm đạm, tẻ nhạt, chưa xứng tầm của một liên hoan điện ảnh quốc gia.


Với tiêu chí “Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, LHP Việt Nam lần thứ 18 đã thu hút 139 phim dự thi.

 

Lễ trao giải tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.CTV


Bên cạnh nhiều bộ phim Việt bị đánh giá là “thảm họa”, có thể nói, giải thưởng đã “gỡ điểm” cho Ban tổ chức trong LHP năm nay khi hai bộ phim đại diện cho hai phong cách “Scandal - Bí mật thảm đỏ” và “Những người viết huyền thoại”, đều đoạt Bông Sen Vàng. Trong đó, "Những người viết huyền thoại" thực sự là bộ phim đáng xem.


Đề cập đến đề tài chiến tranh, suất chiếu bộ phim “Những người viết huyền thoại” diễn ra lúc 4 giờ chiều, nhưng đã đông khán giả hơn thường lệ. Nhiều khán giả trẻ sụt sịt khóc trước cảnh cô gái trẻ gục ngã vì bom trên dòng suối hoặc ngẩn ngơ khi thấy nữ chiến sĩ ôm người đồng đội giữa bản dặn dò: “Anh đừng chết nhé”.


Đặc biệt, bộ phim truyện điện ảnh “Những người viết huyền thoại” (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) cũng đã chứng tỏ mình thực sự xứng đáng với kỳ vọng của người làm điện ảnh cũng như công chúng khi giành được hầu hết các giải thưởng quan trọng. Cùng với Bông Sen Vàng dành cho Phim truyện điện ảnh, các giải thưởng cá nhân cho Biên kịch xuất sắc (Nguyễn Anh Dũng); Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Trương Minh Quốc Thái và Tăng Bảo Quyên); Họa sỹ thiết kế mỹ thuật xuất sắc (Nguyễn Nguyên Vũ) và Phim truyện điện ảnh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn cũng đã được trao cho bộ phim “Những người viết huyền thoại”.


Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, “Những người viết huyền thoại” phản ánh khá thật về cuộc chiến tranh của quân và dân ta. Bộ phim đã khắc họa đậm nét hình ảnh của những chiến sĩ đi tiên phong xây dựng đường ống dẫn dầu trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Vẫn biết rằng, cuộc chiến tranh nào cũng không thể tránh khỏi sự hy sinh, đổ máu, nhưng người dân Việt Nam vốn có tinh thần yêu nước, sẵn sàng đối mặt với sự hy sinh, gian khổ nên dù lực lượng tuy nhỏ bé mà vẫn chiến thắng được kẻ thù hùng mạnh.


Còn Tăng Bảo Quyên, khi kể về vai diễn của mình cũng cho rằng, mặc dù là một bộ phim về chủ đề chiến tranh nhưng “Những người viết huyền thoại” có nhiều tình tiết lãng mạn nên không tạo cảm giác khô cứng cho người xem. Vai nữ chiến sĩ văn công cũng là vai diễn tạo nhiều ấn tượng với cô và những giải thưởng dành cho cá nhân cô cũng như bộ phim “Những người viết huyền thoại” là những phần thưởng xứng đáng, là niềm vinh dự lớn cho những vất vả, khó khăn mà cả đoàn đã trải qua khi thực hiện bộ phim này.


Học sinh được mời đến rạp xem phim miễn phí và lặng người khi chứng kiến những sự hy sinh trong “Những người viết huyền thoại” đã minh chứng cho một sức hút tự nhiên của phim Việt. Điều đó có thể khẳng định, nếu phim Việt có chất lượng thì không vì lý do gì mà khán giả quay lưng.


Điều này phần nào khiến khán giả quên đi những ngày ảm đạm của LHP tại vùng đất mỏ Quảng Ninh. Đầu tiên, phải kể đến khâu tổ chức. TP Quảng Ninh không bố trí nhiều pano quảng bá cho Liên hoan. Các cụm rạp đều vắng người xem, các pano quảng cáo, giới thiệu những bộ phim chiếu tại rạp cũng tuyệt nhiên không có. Điều này làm giảm đi sức thu hút khán giả tới rạp chiếu, cũng cho thấy sự tẻ nhạt, thiếu sôi động của một LHP quốc gia. Bên cạnh đó, lễ khai mạc, bế mạc được tổ chức mà không có sự trang trọng của nghi thức thảm đỏ. Kịch bản lễ khai mạc, bế mạc cũng quá dở, thừa những màn múa tạp kỹ nhưng lại thiếu sự tôn vinh điện ảnh xứng đáng.


H.H.G

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN