Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với các địa phương của Ấn Độ nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.
Chương trình “Lợi thế Uttarakhand” tập trung trao đổi về cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm chế biến, dược phẩm, thuốc y học cổ truyền, lâm nghiệp…
Phát biểu khai mạc, Thủ hiến bang Uttarakhand, ông Pushkar Singh Dhami cho biết chính quyền bang tích cực triển khai các sáng kiến, tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, xây dựng chính sách công nghiệp đối với từng ngành và lĩnh vực cụ thể, cung cấp các ưu đãi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công tác phát triển cơ sở hạ tầng đang được đặc biệt chú trọng, kết nối đường bộ và hàng không đang mở rộng, nhiều khu công nghiệp chế biến thực phẩm lớn được phát triển tại bang.
Cũng tại hội nghị, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ và đề xuất một số hướng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung và với bang Uttarakhand nói riêng.
Trước đó, tại buổi gặp và làm việc với Thủ hiến bang Uttarakhand, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng đã giới thiệu về các sản phẩm cà phê của Việt Nam, đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp tại bang Uttarakhand có thể đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu, cung cấp nguyên nhiên liệu sản xuất thuốc và dược phẩm cho Việt Nam. Về phần mình, Thủ hiến Dhami mong muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển và trồng cây cà phê tại địa phương.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, bang Uttarakhand có nhiều tiềm năng phát triển nông – lâm nghiệp. Đây là vùng cung cấp nguyên nhiên liệu lớn cho ngành dược phẩm của Ấn Độ. Bên cạnh đó, chính quyền bang đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm từ thiên nhiên, ngành chăn nuôi và chế biến sữa, công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp ô tô. Gần đây, bang đã thành lập một cụm sản xuất điện tử, công viên dược phẩm và công viên hương liệu. Nhiều chính sách phát triển kinh tế được triển khai tại Uttarakhand, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm chính sách hậu cần, chính sách khởi nghiệp, chính sách công nghiệp mới và chính sách ngành dịch vụ, du lịch.