Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao tại Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/08/2023 về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Từ đó, tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic… theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nêu rõ: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD (năm 2022) và trên 64,8 tỷ USD (năm 2023), tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản... Lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng.
Theo bà Phan Thị Thắng, đối với một vùng có nhiều địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ thì đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn.
Đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước. Tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng dẫn đến chênh lệch phát triển nội vùng lớn, với một số địa phương đầu tàu có tốc độ phát triển nhanh hơn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai. Lực lượng lao động chiếm số đông trong khu vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp.
Việc phát triển doanh nghiệp trong vùng gặp nhiều khó khăn, mật độ doanh nghiệp trên 1.000 dân hiện thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ doanh nghiệp bình quân cả nước khiến giảm tính năng động của nền kinh tế vùng. Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.
Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng như: tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới; Cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của vùng; xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo. Trong bối cảnh đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Để đạt mục tiêu đó, Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu theo Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất nhập khẩu.
Theo đề xuất của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới, Sơn La và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp; làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của địa phương.
Các đại biểu thống nhất để góp phần đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển thương mại, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao để mang lại những ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Để làm được điều đó, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, trong năm 2024, các cơ quan chức năng của Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế như tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài (trọng tâm là các thị trường như Bulgaria, Kazakhstan, Pháp, Nam Phi, Hoa Kỳ…), tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm lớn trong nước và quốc tế.
Cục hỗ trợ các Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, các hội chợ triển lãm có tính chất liên kết vùng cao nhằm phát huy tối đa nội lực của vùng, thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của vùng, đặc biệt chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại với những thị trường giáp biên với các địa phương của vùng như Lào, Trung Quốc, tham gia vào các chuỗi liên kết cung ứng xuất khẩu...