Cùng với đó, lượng thép tiêu thụ trong nước tháng 11/2016 cũng đạt hơn 1,46 triệu tấn, tăng 36,6% so cùng kỳ và tăng 18,5% so với tháng trước.
Tính chung trong 11 tháng qua, VSA cho hay, tổng lượng thép sản xuất của các doanh nghiệp thành viên là hơn 15,5 triệu tấn, tăng gần 20% so cùng kỳ; lượng thép bán hàng đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng hơn 27% và xuất khẩu tăng mạnh gần 47%, đạt hơn 2,46 triệu tấn.
Xuất khẩu và tiêu thụ thép tiếp tục tăng mạnh về cuối năm. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Trong đó, thép xây dựng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất với hơn 7,2 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thép xây dựng đạt 516.000 tấn, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2015.
Sản phẩm có mức tiêu thụ cao thứ hai là tôn mạ, với tổng sản lượng trong 11 tháng đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôn mạ đạt hơn 1,15 triệu tấn, tăng 42%.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 11 năm nay, giá các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép tiếp tục đà tăng. Các nhà máy thép xây dựng cũng tăng giá bán để bù đắp một phần chi phí sản xuất. Lượng thép xây dựng xuất xưởng tăng 27,2% so với tháng trước do có yếu tố tích trữ hàng hóa chờ tăng giá của các nhà thương mại. Dự báo trong ngắn hạn, giá bán thép xây dựng sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh.
Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, giá thép xây dựng trên thị trường trong nước trong 15 ngày đầu tháng 11/2016 biến động tăng theo biến động thị trường thế giới: giá bán thép đầu nguồn tại một số nhà máy biến động tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg tùy từng chủng loại so với cuối tháng 10/2016; giá bán tại các nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế GTGT khoảng 9.500 - 10.700 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 9.750 - 10.400 đồng/kg đối với thép cây.
Trên thị trường, giá thép xây dựng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 11.600 - 13.950 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động ở mức 11.700 - 14.200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA cho hay, thị trường trong nước đang có bước khởi sắc đáng kể do tăng mạnh được cả về sản lượng, nhu cầu tiêu thụ cuối năm cũng như hàng xuất khẩu. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, theo ông Sưa, hiện thép nhập khẩu, đặc biệt là thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn vào Việt Nam với khối lượng lớn, chủ yếu là phôi thép, thép phế, thép bán thành phẩm.
Tính đến hết tháng 10, Việt Nam nhập khoảng 15,8 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 6,62 tỷ USD; trong đó, sắt thép của Trung Quốc chiếm tới 60%.
Theo ông Sưa, thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào đang là nỗi lo, bài toán nan giải không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhiều nước trong ASEAN và thế giới.
Do vậy, để ngăn chặn thép Trung Quốc lợi dụng, “luồn lách” quy định giữa các dòng thuế để trốn thuế nhập khẩu, cơ quan chức năng cần quy định rõ hơn thế nào là thép hợp kim, có những quy chuẩn đánh giá chi tiết, rõ ràng, tránh hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc cho khoảng 0,3% nguyên tố Bo, Crom vào là thành thép hợp kim, phôi thép Trung Quốc được hưởng thuế 0%.
Ngoài ra, để chống gian lận thương mại và tránh thất thu thuế, nên có các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thép giá rẻ... Đặc biệt, để bảo vệ sản xuất trong nước, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần xem xét, phối hợp áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu, cạnh tranh không lành mạnh...