Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trong khó khăn

Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.


Mặt hàng tôm giữ vai trò chủ đạo


Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch đạt 2,86 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan ở tất cả các thị trường, xuất khẩu cá tra phục hồi nhẹ, mực bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác bắt đầu hồi phục, chỉ riêng cá ngừ xuất khẩu vẫn giảm sâu.

 

Vùng nuôi trồng thủy sản tại Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh:TTXVN


Đặc biệt, xuất khẩu tôm tăng mạnh và chiếm trên 49% giá trị xuất khẩu thủy sản, giữ vai trò chủ đạo quyết định mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tôm sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ tăng mạnh tới 3 con số (120%, 108%, 109%) và các thị trường khác đều tăng ở mức 2 con số.


Tuy nhiên, mặt hàng tôm xuất khẩu đang gặp thách thức tại thị trường Nhật Bản do nước này quyết định kiểm tra 100% lô hàng về chất oxytetracylin (OTC), khiến cho xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng 4%. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cho rằng, đây là rào cản ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong năm nay vì chế độ kiểm tra ngặt nghèo. Ngoài ra, tôm Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh với Ấn Độ vì tôm nước này không bị kiểm tra OTC và có thể trong những tháng tới, nguồn cung tôm của Thái Lan phục hồi thì thị phần tôm Việt Nam sẽ giảm.


Về cá tra, do diện tích và sản lượng giảm nên ảnh hưởng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu từ các nước trong khối EU giảm 14%, Mỹ giảm gần 30%, do vậy kim ngạch giảm 7,6% so với cùng kỳ, ước đạt 655 triệu USD. VASEP dự kiến xuất khẩu sang Mỹ thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 9.


Đối với cá ngừ, xuất khẩu 5 tháng giảm 23%, ước đạt 195 triệu USD do xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm, như Mỹ giảm 30%, Nhật Bản giảm 61%, EU giảm 4,2%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 8,5% với kim ngạch 172 triệu USD....


Theo VASEP, năm 2014 dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt 3,5 tỷ USD, chiếm tới 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, giảm 5% so với năm trước; xuất khẩu cá ngừ giảm 15% và đạt 450 triệu USD; mực, bạch tuộc dự báo đạt 470 triệu USD, tăng 5% so với năm 2013.


Chính sách cần thông thoáng hơn


Tại Hội nghị toàn thể, nhiều doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu thủy sản đang trải qua một giai đoạn khó khăn, chưa bao giờ số lượng hội viên giảm tới 10% như hiện nay do làm ăn khó khăn, rủi ro lớn, doanh nghiệp buộc phải phá sản. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp kiến nghị công tác quản lý nhà nước đối với nuôi trồng thủy sản cần chặt chẽ hơn, chính sách thông thoáng hơn.


Đối với những khó khăn của mặt hàng cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến thủy sản Hùng Vương cho rằng, Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đang trở nên rất "nóng" với các doanh nghiệp thủy sản.

 Theo quy định, doanh nghiệp muốn xuất khẩu lô hàng mất nhiều thời gian như: muốn có chứng nhận mất 7-10 ngày, có kết quả chứng nhận từ Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) mất thêm 3 ngày, đăng ký hải quan để thông quan mất 1-2 ngày, cộng thêm một vận hành xuất khẩu lô hàng mất trên 20 ngày... Như vậy, doanh nghiệp phải chịu chi phí rất lớn trong thời gian này, chịu áp lực giá thành tăng lên, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm và thương hiệu. Theo ông Minh, Nghị định 36 ra đời là cần thiết, nhưng cần có những thông tư để hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của doanh nghiệp.


Đại diện các doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu các mặt hàng hải sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản của VASEP, Giám đốc Công ty Hải Nam kiến nghị, Chính phủ cần có quy định chi tiết về nuôi trồng thủy sản, có chính sách nuôi trồng trên biển và cần có chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà xưởng xung quanh vùng biển có nguyên liệu sản xuất.


Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt rõ mục tiêu: xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 8 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt kế hoạch này, các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa về thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

 

Liên Phương

Sản lượng thủy sản khai thác biển ở Bạc Liêu tăng
Sản lượng thủy sản khai thác biển ở Bạc Liêu tăng

Sản lượng khai thác biển của Bạc Liêu trong 5 tháng qua đạt 48% kế hoạch và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN