Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh chiều 19/1.
Tăng trưởng ngoạn mụcÔng Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, cho biết trong ba tháng đầu năm 2016 xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn cả về thị trường xuất khẩu và nội tại ngành, tuy nhiến đến quý 2/2016, xuất khẩu thủy sản bắt đầu khởi sắc trở lại và bắt đầu tăng tốc với kim ngạch lên đến 600 triệu USD/tháng.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long (Trà Vinh). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Với sự tăng tốc liên tục và bền vững, đến cuối năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,053 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015, đóng góp hơn 22% trong kim ngạch xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản.
Trong năm 2016, thủy sản Việt Nam được xuất khẩu đi 161 thị trường; trong đó, tôm vẫn mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất cho ngành thủy sản, ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu.
Với 1,67 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2016, xuất khẩu cá tra chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tăng gần 7% so với năm 2015.
Đánh giá kết quả xuất khẩu thủy sản trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, đây là một thành tích hết sức ngoạn mục của các doanh nghiệp và cả ngành thủy sản trong điều kiện hết sức khó khăn. Sự khó khăn này được thể hiện rõ trong 6 tháng đầu năm khi ngành nông nghiệp tăng trưởng âm…
Đến hết tháng 6/2016, ngay cả những người “mơ mộng” nhất cũng không nghĩ xuất khẩu tôm có thể đạt được 652.000 tấn, trong khi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 190.000 tấn. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã không chạy theo số lượng đơn thuần mà tạo ra mô hình phát triển thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.
Về góc độ chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mặc dù trong năm 2016 chất lượng các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu có tiến bộ hơn, tuy nhiên sự cố môi trường biển ở khu vực miền Trung đã tác động khá lớn đến hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sau sự cố này, một số thị trường đã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng thủy sản nhập từ Việt Nam. Riêng tại thị trường EU, dự kiến trong năm 2017, Tổng Vụ sức khỏe và Người tiêu dùng EU (DG SANCO) sẽ sang Việt Nam kiểm tra toàn diện việc chế biến, nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp xuất khẩu sang nước này.
Việc DG SANCO sang làm việc tại Việt Nam chỉ là một trong vô số những thách thức của các doanh nghiệp nói riêng và ngành thủy sản nói chung trong năm 2017. Mặc dù xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng thực tế đang tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho ngành thủy sản trên con đường phát triển bền vững.
Áp lực từ chính sách bảo hộ của các thị trường
Nhận định về những khó khăn của xuất khẩu thủy sản trong năm 2017, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, tình hình xâm ngập mặn, giá thành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam còn cao, sự cạnh tranh với các đối thủ, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu… tiếp tục là những thách thức của các doanh nghiệp và ngành thủy sản xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, những thách thức mà VASEP đề cập ở trên là vốn có của ngành và các doanh nghiệp vẫn phải cảnh giác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, có một thách thức mới đang hiện hữu rất rõ ràng.
Đó là một số nước nhập khẩu có xu hướng bảo hộ mậu dịch trong nước rất rõ ràng thông qua việc đưa ra hàng loạt các rào cản kỹ thuật, hay quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch… để hạn chế các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải lưu ý và chủ động cập nhật tình hình để tránh xảy ra những trường hợp trả hàng đáng tiếc.
Không những vậy, theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một số thị trường tiêu thụ thủy sản còn sử dụng truyền thông để bôi nhọ hình ảnh thủy sản của Việt Nam. Dưới sức lan tỏa của mạng xã hội và internet thì rõ ràng những tác hại này là không thể đo đếm và sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ thủy sản Việt Nam trong năm 2017.
Để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cho rằng tiếp tục cần một chính sách hỗ trợ tổng thể của Chính phủ, từ thị trường đến nguồn vốn. Đặc biệt là ổn định nguồn nguyên liệu trong nước, trên cơ sở đẩy mạnh chuỗi liên kết nuôi và chế biến xuất khẩu, cả tôm và cá tra, giảm giá thành đầu vào cho doanh nghiệp.
Nếu không giải quyết tốt khâu nguyên liệu thì xuất khẩu thủy sản trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng giá trị không cao với các sản phẩm không có tính cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu.
Căn cứ vào tình hình thực tế, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2017 sẽ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2016. Dự báo này được đưa ra căn cứ trên những nhận định về thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam; trong đó ba thị trường truyền thống là Mỹ, EU và Nhật Bản chỉ tăng nhẹ so với năm 2016.
Cụ thể, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% của năm 2016.
Đối với hai thị trường truyền thống còn lại, mức tiêu thụ thủy sản tại Nhật Bản và EU vẫn trầm lắng. Nền kinh tế Nhật đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu thủy sản giá cao giảm, người tiêu dùng nước này đang có xu hướng giảm mua thủy hải sản và tăng tiêu thụ thịt. Thậm chí, Nhật Bản đang xúc tiến để tăng xuất khẩu đi các nước; trong đó có Việt Nam.
Còn tại EU, những sự cố chính trị như sự kiện nước Anh rời khỏi EU (Brexit), Thủ tướng Italy từ chức… khiến cho đồng Euro rớt giá mạnh, sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu trong năm tới. Do vậy, trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang EU chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2016; thị trường Nhật Bản khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2016.