Xuất khẩu thêm một năm "lỗi hẹn"

Năm 2016 dần khép lại sau một năm đầy biến cố từ phía thị trường khiến cho xuất khẩu lại thêm một năm lỗi hẹn.

Mặc dù ngành công thương đã nỗ lực phấn đấu nhằm đưa xuất khẩu cán đích, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm vẫn chỉ dừng lại ở mức gần 176 tỷ USD trong khi mục tiêu cả năm là 185 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm ngoái.

May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN


Kỳ vọng vào kết quả xuất khẩu năm 2017, ngành công thương sẽ tập trung phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu ngay từ thời điểm này.

Xuất khẩu không cán đích

Đánh giá kết quả đạt được trong năm 2016, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù mức tăng này tuy chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2016 là tăng 10%, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung về xuất khẩu (nhu cầu trên thế giới thấp, xuất khẩu giảm, các nước đều có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa đã tăng sử dụng rào cản thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước gây khó khăn nhất định cho hoạt động xuất khẩu). Đồng thời, xuất khẩu của nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ đều giảm so với năm 2015 thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là rất tích cực.

Thống kê từ Vụ Kế hoạch cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt gần 176 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015, tương đương với 13,93 tỷ USD; trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 28,4%, đạt 50,04 tỷ USD, tăng 4,8%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,22% đạt 123,55 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2015.

Đáng lưu ý, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong năm 2016 tăng trưởng tích cực với nhiều mặt hàng tăng mạnh xuất khẩu như rau quả, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản năm 2016 đạt 22,14 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm tăng chủ yếu do lượng xuất khẩu các mặt hàng tăng, đã bù đắp tác động của giá xuất khẩu giảm. Cụ thể, tác động của lượng xuất khẩu tăng đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm 795 triệu USD, trong khi tác động của giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch cả nhóm 266 triệu USD.

Đặc biệt, rau quả là mặt hàng có xuất khẩu tăng trưởng mạnh, năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30,6% so với năm 2015. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn do sụt giảm lượng và giá xuất khẩu, rau quả Việt Nam đã có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong đó có cả những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao. Cùng với đó, xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng khá do thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoặc cắt giảm theo cam kết của các nước đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam), tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua công tác phát triển thị trường, nhiều chủng loại rau quả của Việt Nam đã được chính thức thâm nhập vào các thị trường như vải, nhãn, chuối, xoài, dưa hấu, mít, thanh long, chôm chôm vào thị trường Trung Quốc; vải, xoài vào thị trường Australia; vải, nhãn, thanh long, chôm chôm vào thị trường Hoa Kỳ,…Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại đã phát huy hiệu quả.

Không dừng lại ở đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng tiếp tục đóng góp cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 141,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ và chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là điện thoại các loại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 18,4%; giày dép ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 7,6%...

Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu dệt may và giày dép năm 2016 (đạt lần lượt là 3,3% và 7,6%) là tương đối thấp so với mức tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng này trong năm 2015 (9,1% và 16,3%). Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do thị trường xuất khẩu chủ yếu của các mặt hàng này là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... có tăng trưởng nhập khẩu dệt may không cao thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh mạnh từ các nước khác như Campuchia, Myanmar, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Indonesia đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, chính sách phá giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia) nhằm thu hút đơn hàng, khách hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Riêng về giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng có thống kê lượng đều giảm so với cùng kỳ (trừ gạo và nhân điều) do nhu cầu thị trường thế giới giảm, trong khi nguồn cung dồi dào dẫn đến cạnh tranh tăng mạnh, kéo giá trung bình giảm. Giá dầu thô giảm mạnh cũng tác động đến mức giá nhiều mặt hàng. Nguyên nhân tác động do giá giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của nhóm hàng nông sản, thủy sản ước khoảng 266 triệu USD và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản là 947 triệu USD.

Việc phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia; trong đó, có khoảng 70 thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt gần 176 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Ngoài ra, với việc tận dụng tốt các lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước này có tăng trưởng cao trong năm 2016. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng khoảng 27%; sang Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%; sang Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; sang Ấn Độ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,7%.

Đặc biệt, năm 2016 cả nước xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (nhập siêu dưới 5%). Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 21,35 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 23,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 21,02 tỷ USD.

Giải pháp cho 2017

Như vậy, đến thời điểm hiện tại kết quả xuất khẩu của cả năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm là tăng 10% so với năm trước. Sự khó khăn, tăng trưởng chậm là diễn biến liên tục trong các tháng từ đầu năm và không xuất hiện bứt phá như mong đợi.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Trước hết, nhu cầu sử dụng nhiều loại nguyên, nhiên liệu của hoạt động sản xuất công nghiệp thế giới vẫn trong giai đoạn trầm lắng, chưa hồi phục. Điển hình như tình hình xuất khẩu dầu thô thường xuyên giảm, lại "neo" ở mức thấp gây thiệt hại trực tiếp cho nhà xuất khẩu. Đây là nguyên nhân bất khả kháng, làm mất đi khoảng 40% giá trị xuất khẩu dầu thô - một thiệt hại không nhỏ của nền kinh tế.

Tiếp theo, do mức thu nhập và đời sống nói chung ở các nước EU, Mỹ cũng chưa có sự cải thiện đáng kể nên nhu cầu tiêu dùng cũng không tăng, dẫn đến sự hạn chế về kết quả xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, hầu như năng lực sản xuất của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm: dệt may, gạo, cà phê, cao su, dầu thô đã được tập trung khai thác đến ngưỡng; khó có thể tăng tốc liên tục hoặc mạnh mẽ như 10 năm về trước. Mặt khác, chủ trương hạn chế khai thác, xuất khẩu một số nhiên liệu chiến lược như than đá, dầu thô để dự trữ, phòng xa cho tương lai cũng bắt đầu được thực thi.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), để xuất khẩu trong năm 2017 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao Bộ Công Thương đang triển khai Đề án phát triển xuất khẩu bền vững; trong đó, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm cơ cấu lại thị trường; đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và sản phẩm xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp không bị vấp bởi các rào cản thương mại khi xuất khẩu sang các thị trường.

Riêng với các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.

Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp nói trên, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước; khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm và tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Uyên Hương (TTXVN)
  Năm 2017, phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,1 tỷ USD
Năm 2017, phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,1 tỷ USD

Ngày 30/12, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, năm 2017 ngành đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,1 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN