Không còn giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số như nhiều năm trước, năm 2022 được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Lạm phát, suy thoái… đã khiến tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành trong quý IV/2022 giảm khá mạnh. Điều đó kéo theo tốc độ tăng trưởng ngành cả năm 2022 chỉ đạt 7%. Sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU hầu như "đứng im".
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt tỷ 1,1 USD, giảm 1,3%.
Khó khăn của ngành gỗ dự báo còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2022. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, phải hết quý II năm 2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%. Sự phục hồi trở lại vào nửa cuối năm kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương đạt 18 tỷ USD trở lên.
Ứng với tình hình cũng như chủ động đón cơ hội, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp: đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp.
Ngành phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...
Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng gắn với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Bởi, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Trước xu hướng thị trường, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã chủ động thuê những đơn vị tư vấn nước ngoài để sản xuất đạt hiệu quả cao và giảm phát thải các-bon.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, bởi lẽ, họ có công nghệ, tiềm lực thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất.
Gỗ rừng trồng trong nước hiện đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn cung này là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 1 triệu hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn, ông Đỗ Xuân Lập đánh giá.
Khi hàng tồn kho cao, doanh nghiệp lại muốn duy trì sản xuất để tạo việc làm cho người lao động, đồng thời sẵn sàng cung ứng khi thị trường hồi phục trở lại thì vấn đề vốn cho doanh nghiệp càng trở thành vấn đề quan trọng. Ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu dăm gỗ giảm mạnh từ quý IV/2022, liên quan vấn đề nguồn vốn cho sản xuất, ông Thang Văn Thông - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hào Hưng mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ như doanh nghiệp của ông sớm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Bởi, nguồn vốn của doanh nghiệp đọng trong việc không hoàn được thuế VAT quá lớn.
“Doanh nghiệp vẫn phải thu mua nguyên liệu đầu vào cho bà con. Duy trì sản xuất phần nào để tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nếu thiếu vốn sẽ kéo theo sự trì trệ ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất”, ông Thang Văn Thông cho hay.
Nhìn nhận về tín hiệu thị trường, các doanh nghiệp đang kỳ vọng sự tăng trưởng trở lại của thị trường Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng tin tưởng dăm gỗ và viên nén tiếp tục là động lực phát triển cho mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ năm 2023.
Theo ông Thang Văn Thông, Trung Quốc mở cửa trở lại đang là một trong những đòn bẩy hỗ trợ xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong năm 2023 và Trung Quốc tiếp tục là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng dăm gỗ, viên nén trong năm nay cũng như năm tới.
Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới. Giá xuất khẩu viên nén tiếp tục ở mức cao. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường chính nhập khẩu viên nén Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng khá cao thời gian vừa qua. Dự báo, viên nén có nhiều tiềm năng để góp mặt trong nhóm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.