Xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong gần 3 năm

Ngày 7/12, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này trong tháng 11 vừa qua tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm qua.

Nhu cầu tăng vọt tại các thị trường chủ chốt trước kỳ lễ hội cuối năm cũng đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt thặng dư thương mại cao kỷ lục.

Chú thích ảnh
Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Giang Tô, Trung Quốc, ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu xuất nhập khẩu mới nhất là những "điểm sáng" của nền kinh tế Trung Quốc, vốn  đang trên đà phục hồi tăng trưởng sau đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn đà đại dịch COVID-19 hồi đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 268 tỷ USD, nhờ nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm y tế và điện tử. Đây là tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất kể từ tháng 2/2018, vượt qua mức dự báo 12% của các nhà phân tích tại Bloomberg và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 11,4% trong tháng 10 năm nay. Kết quả này có được chủ yếu nhờ vào những đơn hàng xuất sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. 

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 4,7% trong tháng 10. Số liệu thống kê cũng cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong 11 tháng qua 75,42 USD tỷ, mức cao nhất kể từ khi số liệu này được thống kê vào năm 1990. Riêng với Mỹ, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng 52% lên 37,4 tỷ USD.

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê Đức (Destatis) công bố báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 10 tăng cao vượt kỳ vọng, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trước khi các biện pháp hạn chế chống dịch mới nhất được áp đặt. 

Cụ thể, sản lượng công nghiệp đã tăng 3,2% so với tháng trước, được thúc đẩy nhờ hiệu suất mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất ô tô chủ lực. Đây là tháng tăng thứ 6 liên tiếp, gấp đôi mức dự đoán 1,5% của các nhà phân tích do FactSet khảo sát. Tuy nhiên, sản lượng kinh tế trong cùng tháng vẫn dưới mức trước khi đại dịch ập đến, thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 10, sản lượng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô chủ lực của Đức tăng 9,9% so với tháng trước đó, mặc dù giảm 6% so với mức trước đại dịch được ghi nhận vào tháng 2 năm nay. Chuyên gia kinh tế Jens-Oliver Niklasch thuộc ngân hàng LBBW nhận định "trụ cột" của nền kinh tế Đức đang chứng minh sự ổn định trong hoàn cảnh đại dịch hoành hành. Theo chuyên gia này, các số liệu của tháng 10 đã phần nào giải tỏa những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế sẽ suy giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm.

Trong quý III vừa qua, nền kinh tế Đức tăng trưởng kỷ lục 8,5% sau khi các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt được dỡ bỏ và các cửa hàng cũng như nhà máy mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sản lượng kinh tế có thể suy giảm trong 3 tháng cuối năm do các biện pháp phòng chống dịch mới gây tổn hại đến lĩnh vực dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Phương Oanh (TTXVN)
Đức và Hungary cân nhắc bổ sung các biện pháp hạn chế 
Đức và Hungary cân nhắc bổ sung các biện pháp hạn chế 

Ngày 4/12, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã kêu gọi áp đặt các biện pháp hạn chế bổ sung để ngăn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan tại các khu vực có số nhiễm cao của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN