Xuân sớm nơi thủ phủ đào phai

Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề cũng là khoảng thời gian vựa đào phai nổi tiếng xứ Thanh ở xã miền núi Xuân Du (huyện Như Thanh) đồng loạt bung nở.

Chú thích ảnh
Hơn chục năm trở lại đây, chính quyền xã Xuân Du thực hiện việc quy hoạch và định hướng đưa cây đào trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Với đặc điểm nụ hoa mập, khi nở bung ra màu phớt hồng, nụ mập, hoa to, cánh đẹp, chồi lá biếc xanh nên hoa đào Xuân Du có nét đặc trưng không lẫn với hoa đào các vùng khác và là loài hoa được nhiều người chơi đào ưa chuộng. Người dân ở vựa đào Xuân Du đang tích cực chăm sóc để hoa đào "khoe sắc" vào dịp Tết này.

Có mặt tại xã miền núi Xuân Du (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) những ngày cuối năm âm lịch, ai ai cũng cảm nhận được niềm vui rạng ngời trên gương mặt của các hộ trồng đào. Tại đây, hầu hết các gia đình đều trồng đào, nhà ít thì chục gốc, nhà nhiều lên đến cả nghìn gốc. Theo người trồng đào Xuân Du, năm nay thời tiết thuận lợi nên đào sẽ bung nở đúng thời điểm Tết nguyên đán.

Với thâm niên gần 15 năm trồng đào, năm nay gia đình anh Trịnh Văn Hiệu (thôn 8, xã Xuân Du) cung cấp ra thị trường gần 1.000 gốc đào; trong đó, có 450 cây đào gốc và hơn 500 cây đào dáng huyền. Anh Trịnh Văn Hiệu cho biết trồng đào ra hoa thì dễ nhưng để điều chỉnh để đào nở đúng dịp tết mới là điều khó. Để có những gốc đào ưng ý, người trồng đào phải rất dày công chăm sóc. Suốt 1 năm đằng đẵng người trồng đào sẽ bận bịu với việc bấm ngọn, tiện gốc, chăm lá, tỉa cành... Người trồng đào cũng giữ cho mình những "bí quyết" cho hoa đào nở vào đúng độ như: kỹ thuật “hãm đào”, "thúc đào” cũng như thời điểm tuốt lá nếu quá sớm hoặc quá muộn sẽ ảnh hưởng tới quá trình đào ra hoa và màu sắc của hoa đào.

Chú thích ảnh
Để có những gốc đào ưng ý, người trồng đào phải rất dày công chăm sóc. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

"Năm nay, cùng với việc trồng, chăm sóc vườn đào phai truyền thống, gia đình tôi đầu tư hơn 300 gốc đào thế nhập phôi từ tỉnh Sơn La về lai ghép với giống đào phai 5 cánh của địa phương để nâng cao giá trị kinh tế. Đến thời điểm này, hầu hết các gốc đào đẹp đã "có chủ" đặt hàng cách đây cả tháng, chỉ còn đợi Tết đến để bật gốc mang về. Số lượng đào còn lại để bán từ giờ đến giáp Tết chỉ còn khoảng 20%. Tính sơ sơ, thu nhập Tết này của gia đình sau khi trừ chi phí được khoảng 600 triệu đồng" - anh Trịnh Văn Hiệu khẳng định.

Không chỉ riêng gia đình anh Hiệu, mà các hộ gia đình trồng đào khác ở xã Xuân Du đang rất vui mừng, phấn khởi với vụ đào năm nay. Đi sâu vào thôn 6 thăm ruộng đào của gia đình anh Nguyễn Đức Tiềm (thôn 3, xã Xuân Du, huyện Như Thanh) chúng tôi gặp nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh với hoa đào. Gia đình anh Tiềm được biết đến là một trong những hộ gia đình trồng nhiều đào ở Xuân Du. Năm nay, gia đình anh trồng khoảng 700 gốc đào phai. Hiện tại có khoảng 500 gốc bung nụ được người dân và thương lái đặt mua. Dự kiến sau khi trừ chi phí vụ đào năm nay sẽ đem về cho gia đình anh Thơ khoảng 350 triệu tiền lãi, đó là chưa kể tiền bán cây đào giống cho người dân trồng trong vụ mới.

Anh Nguyễn Đức Tiềm cho biết: "Cây đào là sản phẩm chủ lực, mang lại đời sống kinh tế khá giả cho nhiều hộ gia đình trong xã. Cứ đà này, sang năm tôi sẽ trồng thêm nhiều đào, quy hoạch khu chụp ảnh với đào cũng như tạo các cảnh quan bắt mắt xung quanh để thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh quảng bá cho đào Xuân Du."

Là thương lái buôn đào Xuân Du lâu năm, anh Vũ Văn Hải (Thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3, các vùng đào truyền thống như Nhật Tân (Hà Nội), An Dương (Hải Phòng)… bị mất mùa nên ngay từ đầu tháng 10, thương lái chúng tôi đã phải tỏa đi “săn” đào ở các vùng đào Thanh Hóa, Nghệ An…. Tôi có 1 tệp khách chỉ thích chơi đào phai Xuân Du, vì thế năm nay tôi dự định sẽ đánh khoảng 1.000 gốc về bán cho người dân".

Chú thích ảnh
Đào phai Xuân Du được nhiều gia đình lựa chọn trưng trong dịp Tết. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Hơn chục năm trở lại đây, chính quyền xã Xuân Du đã thực hiện việc quy hoạch và định hướng cho người dân mở rộng diện tích trồng đào, đưa cây đào thành một trong những cây kinh tế chủ lực của địa phương. Theo thống kê của UBND xã Xuân Du, đến tháng 1/2025 trên địa bàn xã có khoảng 280 ha đào cảnh với hơn 1.000 hộ dân tham gia trồng. Dự kiến Tết Ất Tỵ 2025, cây đào sẽ đem lại thu nhập trên dưới 60 tỷ đồng cho người trồng đào Xuân Du.

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Du khẳng định: "Năm nay thời tiết thuận lợi nên hoa đào Xuân Du nở đều, bông to, đẹp. Hiện nay, hầu hết các vườn đào đã được các thương lái đến đặt mua, dự báo một vụ mùa bội thu cho bà con trồng đào tại Xuân Du. Để nâng cao hiệu quả nghề trồng đào, cuối năm 2024, UBND xã đã thành lập Nghiệp đoàn trồng đào Xuân Du gồm 108 hộ thành viên nhằm từng bước nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho thương hiệu đào Xuân Du trên thị trường”.

Rời Xuân Du trong buổi chiều đượm nắng, trên đồng đất Xuân Du, những vạt đào phai đang chúm chím nụ xuân. Hàng trăm hộ trồng đào ở Xuân Du đang đếm ngược từng ngày trong tâm thế phấn khởi về một vụ đào Tết bội thu.

Hoa Mai - Khiếu Tư (TTXVN)
Sức hút đào phai Đông Sơn 
Sức hút đào phai Đông Sơn 

Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, từ những trục đường chính dẫn vào xã đến những khu vực trồng đào phai Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) lại nhộn nhịp, rôm rả tiếng nói cười.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN