Hơn 1 năm trước, sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) được kỳ vọng sẽ góp phần chủ đạo trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Công ty này dường như vẫn chưa làm “thỏa lòng” nhiều người bởi những nguyên nhân khách quan. Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2014 là 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Lý giải nguyên nhân nợ xấu gia tăng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, do đó khi tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên.
Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Cùng với đó, nợ xấu tăng một phần là do việc thực hiện Thông tư về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ, theo đó các tổ chức tín dụng phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn. Cụ thể, theo quy định cũ, các tổ chức tín dụng chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, nhưng theo quy định mới thì cả khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng phải xếp hạng nợ, vì thế nợ xấu mới gia tăng.
Cũng từ đầu năm đến nay, tốc độ mua nợ xấu của VAMC đã chậm lại, không rốt ráo như thời điểm công ty này mới ra đời vào cuối năm 2013. Cụ thể, theo số liệu mới nhất mà VAMC cung cấp, từ tháng 10/2013 đến nay, công ty này đã mua được 58.937 tỷ đồng của 35 tổ chức tín dụng (TCTD) (gồm 2.057 khách hàng và 3.536 khoản nợ) với giá mua 48.976 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng từ đầu năm 2014 tới nay, VAMC chỉ mua được 19.630 tỷ đồng nợ xấu gốc, của 1.044 khách hàng và 1.899 khoản nợ vay, với giá mua 16.237 tỷ đồng.
Thừa nhận tiến trình mua nợ xấu của VAMC từ đầu năm đến nay có phần chậm, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC vẫn khẳng định công ty này sẽ đạt được mục tiêu mua được khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014.
Ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, VAMC mua nợ xấu theo lộ trình chứ không phải mua nợ về để lấy lãi. VAMC mua nợ xấu không phải để bán mà mua nợ xấu rồi phân tích, xem xét, rà soát các khoản nợ. “Chúng tôi phải xem chất lượng các khoản nợ đó ra sao thì mới mua lại, chứ không phải mua nợ để lấy lãi, họ muốn bán bao nhiêu cũng mua”, Chủ tịch VAMC thẳng thắn nói.
Lãnh đạo NHNN cũng từng nhìn nhận, thời gian qua, việc mua nợ xấu của VAMC đã chậm lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiến trình xử lý nợ xấu của ngân hàng chậm lại. Sự chậm trễ này cũng có 1 phần nguyên nhân do NHNN phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt cho VAMC chậm so với dự kiến.
Giải thích về việc số tiền nợ xấu mà VAMC mua được quá ít so với tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng VAMC không phải là “cây đũa thần”. Việc xử lý nợ xấu qua VAMC cũng chỉ là một trong những giải pháp xử lý nợ xấu.
Ở các quốc gia khác, nợ xấu được xử lý bằng tiền mặt và các quốc gia đó dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, thậm chí, nhiều nước sử dụng chi phí xử lý nợ xấu lên đến 15 – 20% GDP.
Còn ở Việt Nam, xử lý nợ xấu trong điều kiện khó khăn, ngân sách nhà nước thì hạn chế, cơ chế về luật pháp còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Với tình hình đó thì những cách xử lý nợ của VAMC không dùng tới tiền ngân sách là phù hợp, bởi đã tạo điều kiện cho các TCTD tiếp tục cho vay, giảm lãi suất cho vay, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, với các khoản nợ VAMC đã mua, có một số doanh nghiệp được vay vốn để tái sản xuất kinh doanh sau khi VAMC cơ cấu lại khoản nợ và trả được nợ cũ. Còn đối với doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sản xuất thì công ty cũng kiên quyết xử lý, thanh lý nợ qua phát mãi tài sản đảm bảo, vì càng để lâu xử lý nợ sẽ càng khó.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VAMC, quá trình phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đang gặp vướng mắc do thị trường chưa hồi phục, việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá không phải muốn là thực hiện dễ dàng. VAMC đã 3 lần tổ chức phát mãi tài sản bằng hình thức đấu giá nhưng đều thất bại.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần tăng quyền lực cho VAMC. Công ty này cần được chủ động trong các thủ tục pháp lý, thủ tục mua những khoản nợ xấu có vướng mắc về pháp lý. Sau khi mua, công ty tìm nhà đầu tư để bán và bán xong thì hoàn tất được thủ tục về quyền sở hữu và quyền sử dụng cho nhà đầu tư.
Trước những khó khăn đó, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xem xét, rà soát những vướng mắc của VAMC và trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ. “Chúng ta vừa làm, vừa phát hiện những vướng mắc khó khăn để có thể điều chỉnh cho phù hợp”, Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc NHNN cho biết trong 8 tháng của năm 2014, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bản thân các TCTD cũng tích cực xử lý nợ xấu. Số liệu của 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, các TCTD xử lý được tổng số khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu; trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Đỗ Huyền