Thưa ông, vừa qua có một số cán bộ hải quan đã có hành vi tiêu cực, nhận tiền “kẹp” của doanh nghiệp trong khi làm nhiệm vụ. Với những trường hợp vi phạm của cán bộ công chức đã bị phát giác, TCHQ xử lý như thế nào?
Những cảnh đưa, nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan. Ảnh minh họa nguồn: Báo Lao động |
Quan điểm của TCHQ là chủ động phòng, chống, ngăn chặn vi phạm, tiêu cực của cán bộ công chức. Trường hợp xảy ra vi phạm phải kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng đối với những cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù là cán bộ ở cấp nào.
Thời gian qua, TCHQ đã kiểm tra, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, công khai những trường hợp công chức hải quan vi phạm pháp luật. Năm 2017, số công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật trong ngành là 69 người. Tính từ đầu năm đến tháng 5/2018, có 33 trường hợp bị kỷ luật.
Phía Tổng cục đang xây dựng Dự thảo “Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành hải quan”. Văn bản này điều chỉnh toàn bộ hành vi của cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi thực thi công vụ; chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; minh bạch trong xử lý vi phạm.
Điểm mới lần này, quy chế sẽ định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là đi kèm các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc, trong đó quy định quy trình kiểm tra hoạt động công vụ. Đặc biệt, tại Chương 3 của quy chế quy định chi tiết từng hành vi vi phạm của công chức hải quan từ tư thế, tác phong, lễ tiết đến hoạt động nghiệp vụ hải quan. Từ đó, tùy theo tính chất mức độ, quy chế cũng quy định chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm tương ứng.
Hiện đại hóa, cải cách hải quan trong những năm gần đây được TCHQ làm quyết liệt. Điều này cũng giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với người dân, doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia… TCHQ xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt, công khai, minh bạch với nhiều giải pháp đồng bộ; gắn kết chặt chẽ với xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại.
Việc chú trọng công tác cải cách, hiện đại hóa để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, vừa hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2014, Hệ thống hải quan tự động (VNACCS/VCIS) đã triển khai 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố; 100% các quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc.
Năm 2015, hải quan đã đưa vào hoạt động Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (tại trụ sở TCHQ) với hệ thống camera giám sát được kết nối thông suốt với các hệ thống trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại của ngành.
Thông qua Hệ thống camera giám sát, máy soi chiếu container, hệ thống cân ô tô điện tử, hệ thống máy soi chiếu hành lý, hàng hóa, hệ thống dữ liệu xuất nhập khẩu… được kết nối về Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến, lãnh đạo Tổng cục và lực lượng chức năng có thể kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu, quá trình giải quyết thủ tục của công chức hải quan ở các địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu quan trọng như: Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), khu cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn… Hoạt động này nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường tại cửa khẩu, kịp thời can thiệp, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Hệ thống Quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không tại 4 đơn vị cấp cục, gồm: Cục Hải quan Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được thực hiện. Ngoài việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, hệ thống này giúp hải quan quản lý được toàn bộ diễn biến của hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cảng, kho, bãi và lịch sử lô hàng từ khi vào Việt Nam.
Số điện thoại đường dây nóng 19009299 hiện là số duy nhất đang hoạt động thông suốt 24/24 giờ, không kể ngày nghỉ, thay cho tất cả các số đường dây nóng trước đây. Tất cả các cuộc gọi qua số điện thoại đường dây nóng được ghi âm, lưu trữ và quản lý theo chế độ mật, khẩn; đảm bảo giữ bí mật về danh tính, số điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh qua đường dây nóng.
Luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác liên tục cũng sẽ góp phần hạn chế nạn tham nhũng “vặt”. Ông có thể chia sẻ công tác nhân sự, điều động cán bộ hải quan sẽ được Tổng cục triển khai như thế nào để nâng cao tính giám sát, hạn chế, phòng ngừa rủi ro?
Chúng tôi đặc biệt chú trọng luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác một cách thường xuyên, liên tục, ở tất cả các cấp, nhất là cấp chi cục. Nếu phát hiện dấu hiệu hoặc có phản ánh liên quan đến tiêu cực, nhũng nhiễu, đều được xác minh, chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy định...
TCHQ hàng năm đều có kế hoạch kiểm tra nội bộ, thành lập các đoàn kiểm tra phòng chống tham nhũng ở những địa bàn, đơn vị có lưu lượng hàng hóa lớn, phức tạp, những đơn vị có biểu hiện chưa đoàn kết để phát hiện, chấn chỉnh sai phạm; Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm kết luận của các đoàn thanh tra và kiểm tra cấp Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ…; chủ trì giải trình, tiếp thu, khắc phục các yêu cầu của cơ quan thanh tra; tham mưu, sửa đổi, bổ sung quy định, quy trình để chặt chẽ và minh bạch hơn trong công tác phòng chống tội phạm, chống tham nhũng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!