Nhân dân ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thu hoạch mận tam hoa.
Thành phố Sơn La hiện có gần 2.250 ha mận, sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn; trong đó, có trên 1.000 ha mận tam hoa, năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha, sản lượng gần 10.000 tấn/năm. Mận tam hoa còn gọi là mận cơm, thường chín sớm hơn so với mận hậu, thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến đầu tháng 5.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La Nguyễn Văn Thản thông tin: Hàng năm, thành phố Sơn La đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp với các xã tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận tam hoa và các loại cây trồng khác.
Những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã chủ động nước tưới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, cải tạo cho cây mận. Nhờ đó, năng suất, chất lượng, mẫu mã quả ngày càng nâng cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, các hộ trồng cũng tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giúp mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng mận, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thu hoạch mận tam hoa tại gia đình ông Tòng Văn Kiên ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, Hua La là địa phương có diện tích trồng mận lớn nhất của thành phố Sơn La. Những ngày này, khắp các nương vườn, nhân dân đang khẩn trương thu hái mận tam hoa, không khí lao động trở nên nhộn nhịp, sôi nổi, phấn khởi vì được mùa, được giá. Dọc các tuyến đường vào xã, rất nhiều xe tải của thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua mận cho người dân.
Gia đình chị Tòng Thị Thanh ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ có gần 2 ha trồng mận tam hoa đã cho thu hoạch hơn 10 năm nay, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha/năm. Trước đây, cây mận tam hoa của gia đình chị Thanh để phát triển tự nhiên, nên quả nhỏ, bán với giá rất thấp. Năm 2021, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng mận ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, gia đình chị Thanh đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán và bón phân chuồng đẩy đủ cho cây. Bởi vậy, năng suất, chất lượng, giá trị của quả mận đã tăng lên rõ rệt.
Chị Thanh chia sẻ: Gia đình đã chú trọng và chăm sóc cây mận để cải thiện chất lượng quả và tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với những cây cho quả to, mẫu mã đẹp, đầu vụ bán với giá cao, từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, giữa vụ vẫn có giá khoảng 27.000 - 30.000 đồng/kg; mận nhỡ có giá từ 10.000 - 15.000 đồng; từ 5.000 - 7.000/kg đồng giá mận bán xô.
Nhân dân ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thu hoạch mận tam hoa.
Để thu hoạch mận được nhanh chóng, quả không chín quá dẫn đến bị rụng, hao hụt sản lượng, ngoài 4 người trong gia đình, chị Thanh còn thuê thêm 6 lao động địa phương. Niên vụ mận 2025, gia đình thu hoạch được trên 15 tấn quả, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng. Cùng với bán hàng trực tiếp cho các thương lái, chị Thanh cũng kết hợp bán hàng trực tuyến qua các nền tảng, trang mạng xã hội. Nhờ đó, hàng năm, sản lượng mận của gia đình đều được tiêu thụ hết.
Khẩn trương thu mua, đóng gói những thùng mận để vận chuyển về cung cấp ở chợ đầu mối tại các tỉnh miền xuôi, anh Trần Xuân Cường, thương lái đến từ tỉnh Phú Thọ cho hay: Anh Cường thu mua mận ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La đã được 5 năm. Hàng năm, vào vụ thu hoạch, anh Cường lại đến thu mua mận cho người dân, trung bình khoảng 1,5 tấn đến 2 tấn quả/ngày.
Theo anh Cường, năm nay, quả mận tam hoa to, đều, đẹp nên giá mua cũng cao hơn năm trước. So với các địa phương khác, quả mận tam hoa ở xã Chiềng Cọ ngon, giòn hơn, do vậy được thị trường ưa chuộng. Từ đầu vụ đến nay, anh Cường đã thu mua hơn 80 tấn mận, giá dao động từ 7.000 - 27.000 đồng/kg, tùy vào kích thước, mẫu mã, chất lượng quả.
Thương lái tại xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đóng gói mận tam hoa để mang đi tiêu thụ tại thị trường các tỉnh miền xuôi.
Còn tại xã Chiềng Đen, hiện có hơn 1.200 ha mận trồng xen canh với cây cà phê. Nhờ đó, đã giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích.
Ông Cà Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Đen cho hay: Ngay từ đầu năm 2025, lãnh đạo xã đã xây dựng kế hoạch, tích cực chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân tập trung đầu tư phát triển, sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây mận. Việc trồng, chăm sóc mận đã được nhân dân quan tâm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất.
Cùng với đó, thời tiết, khí hậu năm nay cũng thuận lợi nên sản lượng, chất lượng quả mận đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của thị trường, được thương lái đến thu mua với giá dao động từ 5.000 - 20.000 đồng/kg. Nhờ vậy, nhiều hộ trồng mận trên địa bàn xã có lãi từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm, cuộc sống, thu nhập ngày càng ổn định.
Thương lái đến từ tỉnh Phú Thọ đến thu mua mận cho người dân.
Cây mận được người dân tỉnh Sơn La trồng từ lâu nay, đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều gia đình. Do đó, tỉnh luôn tích cực vận động nhân dân đầu tư, mở rộng mô hình trồng, chăm sóc mận đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của quả mận Sơn La, giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng.