Xây dựng những nông dân chuyên nghiệp trên đất Sen Hồng - Bài cuối: Hiệu quả thiết thực

Trên hành trình xây dựng, phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, văn minh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại tại Đồng Tháp - địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp với các ngành, hàng chủ lực cây ăn trái, lúa, hoa cây kiểng, cá tra.., các cấp, ngành, đoàn thể đặc biệt coi trọng phát huy vai trò chủ thể của người nông dân.

Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong các phong trào cùng các đơn vị, đoàn thể tạo nhịp cầu hỗ trợ nông dân tích cực, sáng tạo phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Chú thích ảnh
Anh Huỳnh Ngọc Thái giới thiệu về thùng ủ rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo chế phẩm sinh học cho cây trồng do Hội Nông dân tỉnh và huyện Châu Thành triển khai. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Không tự bằng lòng

Là chủ khu vườn rộng hơn 8.000 m2 với trên 200 cây sầu riêng và một số cây bơ, chôm chôm, ổi, kết hợp làm du lịch, đưa du khách tham quan vườn, mua trái cây, ông Trần Văn Trường (69 tuổi, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) chia sẻ: “Để trở thành nông dân chuyên nghiệp, chúng tôi được chính quyền, cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ, nhưng cũng không thể làm thay. Nông dân như tôi phải tích cực, tự giác vì nó đem lại lợi ích cho mình và cộng đồng”.

Phương châm của ông Trường trong canh tác vườn cây ăn trái là “nói thật, làm thật, sống thật”, không vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng, không bón phân, phun thuốc gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, không bán sản phẩm chất lượng thấp cho khách hàng. Theo ông Trường, nông dân chuyên nghiệp còn phải biết thị trường cần gì để thay đổi cách thức giới thiệu, bán nông sản cho khách hàng. Vì thế, ông kết hợp làm du lịch để tăng tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông sản dễ hơn, giá trị nhiều loại trái cây được nâng cao hơn. Hơn 3 năm nay, ông thực hiện phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, ủ cá linh, trái cây để làm chế phẩm bón cho cây. Mùa nắng nóng, ông phủ xác mía, cỏ, lá khô để giữ ẩm tốt hơn cho cây. Nhờ vậy, vườn cây ăn trái, đa số là cây sầu riêng giống Ri6, sầu riêng chuồng bò, sầu riêng Thái của gia đình ông luôn cho chất lượng thơm ngon đặc biệt; thu hoạch từ 10 - 12 tấn quả/ năm.

Mỗi năm vào mùa trái chín (khoảng từ giữa tháng 5 đến tháng 8), du khách tới điểm tham quan du lịch vườn cây ăn trái mang tên Mỹ Nữ của ông Trường đều xuýt xoa trước những trái sầu riêng, ổi, bơ lúc lỉu trên cây, chụp hình lưu niệm, mua và thưởng thức tại chỗ hoặc đóng thùng mang về những trái cây thơm ngon nhất.

Với anh Huỳnh Ngọc Thái (45 tuổi, xã An Nhơn, huyện Châu Thành), để trở thành người nông dân chuyên nghiệp, đầu tiên phải thay đổi cách nghĩ “trông trời, trông đất, trông mây”; không chủ quan khi gia đình làm nghề nông từ nhiều năm, thuộc từng mảnh vườn, quen “nết” từng loại cây mà cho rằng không cần phải học hỏi gì thêm. Theo anh Thái, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu cao. Vùng nhãn đặc sản Châu Thành đã có mã số vùng trồng, được xuất khẩu sang nhiều nước. Tuy nhiên, thị trường luôn biến động, thời tiết diễn biến bất thường. Vì vậy, những nông dân như anh luôn mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các thông tin liên quan đến những kiến thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; thông tin về các tín hiệu của thị trường để phát triển kinh tế nông nghiệp lâu dài. Từ đó giúp nông dân chuyên nghiệp, giàu có bền vững từ sản xuất nông nghiệp.

Chung tay, đồng hành

Chú thích ảnh
Anh Huỳnh Ngọc Thái (trái) và Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn Huỳnh Hữu Thuận kiểm tra chất lượng nhãn. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp là phù hợp với đặc điểm, tính chất của người nông dân Đồng Tháp và được người dân hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; đồng thời, thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về cuộc vận động “Hội viên nông dân trở thành người nông dân chuyên nghiệp”, bà Phan Thị Kim Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, để nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù sản xuất, ngành, hàng chủ lực của địa phương, tạo thuận lợi để người nông dân phát huy vai trò chủ thể, tham gia tự nguyện và hiệu quả.

Ngay từ năm 2020, mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” đã sớm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động. Khởi đầu được thí điểm tại một số địa phương, theo từng ngành, hàng trọng điểm mà nông dân tại địa phương đang tập trung phát triển như: huyện Châu Thành chọn thí điểm thực hiện với nông dân trồng nhãn; huyện Lai Vung thực hiện với nông dân trồng cây ăn trái có múi; huyện Cao Lãnh thí điểm thực hiện với nông dân trồng xoài, mít.

Tiếp tục phát triển mô hình, nâng chất trở thành cuộc vận động mang tính sâu rộng, toàn diện trong nông dân, tháng 8/2023, Đại hội Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã chính thức xác định, cuộc vận động “Hội viên nông dân trở thành người nông dân chuyên nghiệp” là một trong những nội dung trọng tâm, mô hình mang tính đột phá để xây dựng và phát triển Hội trong giai đoạn mới. Hội đã phát động triển khai cuộc vận động này đến 12 cơ sở Hội Nông dân cấp huyện, thành phố của tỉnh.

Đến tháng 4/2024, trên 94.700 hộ nông dân của tỉnh đã đăng ký tham gia xét danh hiệu “Người nông dân chuyên nghiệp” với các tiêu chí: tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội và Tổ nhân dân tự quản; là thành viên Hội quán hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã; biết sử dụng máy nông nghiệp và thiết bị thông minh; đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở trở lên; không vi phạm pháp luật; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn; có tư duy kinh tế nông nghiệp và kiến thức thị trường; được đào tạo, bồi dưỡng nghề về nông nghiệp.

Cụ thể hóa các nội dung của cuộc vận động, tạo đột phá mới trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn mới văn minh, hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, Hội Nông dân Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2028 có 70% hội viên biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin; 100% cơ sở Hội có ít nhất một mô hình về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và một mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn...

Đồng hành cùng nông dân, các cơ sở Hội đã bước đầu hình thành được nhiều mô hình sinh động, thiết thực như góp vốn mua điện thoại thông minh giúp hội viên tiếp cận, sử dụng các ứng dụng liên quan đến sản xuất, mua bán nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Hội đã triển khai các mô hình Chi hội Nông dân “Ba sạch” (nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch) thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật; mô hình “Nông dân tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, tạo chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”.

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết thêm, xác định nông dân là cốt lõi trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung vào việc thay đổi nhận thức, đổi mới thông qua vận động, tuyên truyền, chia sẻ với người nông dân.

Đồng Tháp đã và đang thực hiện tổ chức sản xuất đồng bộ trong cả chuỗi giá trị thông qua phát triển liên kết ngang giữa các tác nhân (kinh tế hộ, nông trang, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp) và liên kết dọc theo toàn chuỗi giá trị để đảm bảo quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Địa phương ưu tiên phát triển các chuỗi giá trị ngành, hàng chủ lực; đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng chuyên canh, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn… để từ đó góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, chuyên nghiệp, nông thôn mới hiện đại, văn minh.

Trà Trí Hưng - Nhung An (TTXVN)
Xây dựng những nông dân chuyên nghiệp trên đất Sen hồng - Bài 1: Tư duy mới, hành động mới
Xây dựng những nông dân chuyên nghiệp trên đất Sen hồng - Bài 1: Tư duy mới, hành động mới

Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhấn mạnh “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN