Thế nhưng, có một nghịch lý đang xảy ra: Các nhà máy thủy điện càng hoạt động sản xuất thì lỗ càng nhiều, có nhiều nguy cơ phá sản. Điển hình như Công ty TNHH Hòa Long, ngoài vốn tự có, đơn vị vay thêm của ngân hàng 21 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình thủy điện Ea M’Doal 3, có công suất thiết kế 1,8 MW. Đến năm 2008, công trình đưa vào hoạt động, doanh thu mỗi năm từ 3 đến 4 tỷ đồng. Thế nhưng, qua hạch toán, doanh nghiệp Hòa Long đang đứng bên bờ vực phá sản do sản xuất kinh doanh không đủ để trả lãi ngân hàng, nộp thuế...
Theo ông Phan Mưu Bính, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, thời điểm vay vốn ngân hàng là 11,75%/năm, nhưng nay tăng lên 20%/năm, trong khi đó, giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ có 607 đồng/kWh và ký hợp đồng bán điện kéo dài từ 20 đến 29 năm. Như vậy, doanh thu mỗi năm của nhà máy không đủ trả lãi cho ngân hàng, thuế tài nguyên nước và tiền thuê công nhân quản lý, vận hành nhà máy. Hiện nay đang mùa khô kiệt, nhà máy chỉ hoạt động chưa đầy 10 tiếng đồng hồ/ngày và công suất cũng chỉ đạt 20 đến 30% so với mùa mưa. Ông Phan Mưu Bính than thở: “Thực tế chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy theo cơ chế thị trường mà bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại theo cơ chế bao cấp...”.
Còn đối với Công ty TNHH Hoàng Nguyên, từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy thủy điện: Quảng Tiến, Đắk Ru, Ea Kar, với tổng công suất 15 MW, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 350 tỷ đồng, theo lãi suất 10%/năm. Theo tính toán ban đầu, trong vòng 10 năm, công ty thu hồi vốn. Thế nhưng, do lãi suất ngân hàng liên tục thay đổi, nay tăng lên 19 đến 20%/năm, trong khi giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại không thay đổi (400 đến 607 đồng/kWh, từ năm 2008 trở về trước), nên doanh thu của doanh nghiệp không đủ trả lãi cho ngân hàng chứ chưa nói đến việc nộp thuế tài nguyên nước, tiền quản lý, vận hành nhà máy. Cụ thể, mỗi năm 3 nhà máy thủy điện của Công ty TNHH Hoàng Nguyên có doanh thu 45 tỷ đồng, trong khi đó phải trả lãi vay ngân hàng lên đến 70 tỷ đồng...
Không chỉ hai doanh nghiệp nói trên, hiện nay ở Đắk Lắk còn có hàng loạt các chủ doanh nghiệp đầu tư làm thủy điện đã phải bán nhà, nương rẫy, vay mượn của họ hàng, cộng với doanh thu của nhà máy vẫn không đủ trả lãi cho ngân hàng, nộp thuế tài nguyên... nên nợ vẫn chồng lên nợ!
Ngày 18/7/2008, Bộ Công Thương có Quyết định số 18, điều chỉnh hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tăng lên 650 đồng đến 700 đồng/kWh. Cũng theo quyết định này, 4 tháng mùa mưa, đối với những công trình đưa vào hoạt động sau năm 2008 trở lại đây, các nhà máy chỉ được bán 85% công suất với giá 460 đồng/kWh, phần công suất còn lại nếu phát điện thì chỉ được bán với giá 230 đồng/kWh. Theo các doanh nghiệp, lợi nhuận về mùa mưa vẫn không bù đắp được khoản thiếu hụt 8 tháng mùa khô, mùa kiệt nước ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Mới đây, sau khi họp với các sở, ngành có liên quan, các doanh nghiệp đầu tư làm thủy điện, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ký lại hợp đồng bán điện theo Quyết định số 18 của Bộ Công Thương, điều chỉnh bằng 80% giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, không phân biệt mùa mưa hay mùa khô, tính thuế tài nguyên nước bằng 2% giá điện thực tế bán cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp... nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đứng vững, tiếp tục hoạt động.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 9 nhà máy thủy điện nhỏ đã đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp máy 58 MW và có tổng vốn đầu tư trên 1.160 tỷ đồng. Các nhà máy thủy điện này, mỗi năm sản xuất trên 290 triệu kWh, đạt doanh thu từ 174 tỷ đồng trở lên và nộp ngân sách Nhà nước trên 67 tỷ đồng...
Quang Huy