Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc…Tuy nhiên, theo ông Giang, hiện nay ngành dệt may cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là nguồn cung nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn của các FTA, ví dụ như đối với Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đòi hỏi đáp ứng xuất xứ từ sợi, Hiệp định EVFTA là đáp ứng xuất xứ từ vải... Cùng với đó là thách thức liên quan tiêu chuẩn các nước nhập khẩu sử dụng sản phẩm và tiêu chuẩn khắt khe của các nhãn hàng.
“Xu thế toàn cầu của ngành dệt may cũng như nhiều ngành khác chính là xu thế phát triển xanh, bền vững. Muốn đáp ứng những tiêu chí này, doanh nghiệp cần thực hiện quản trị số, minh bạch trong quản lý môi trường rác thải, tái tạo nguồn nước. Việt Nam đang thiếu nguồn nước và nguồn nước và đang bị ô nhiễm, đây là thách thức với các doanh nghiệp cũng như các khu công nghiệp. Việc tái tạo nguồn nước, rác thải đồ hỏi chi phí, công nghệ thiết bị và chủ khu công nghiệp phải nhận thức được vấn đề này, cùng với đó, cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Đánh giá về tầm quan trọng của hợp tác công tư trong thúc đẩy khu công nghiệp bền vững tại cuộc họp, ông Phạm Hoàng Hải, đại diện VBCSD-VCCI cho biết Chính phủ đóng vai trò "đầu tàu" kiến tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề; trong khi đó doanh nghiệp là động lực, chủ thể của nền kinh tế. Một cơ chế hợp tác công tư mạnh, theo định hướng phát triển bền vững cũng giống như "liều thuốc tăng lực" cho chính các khu công nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả hơn các hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy tốt hơn các nguồn lực của chính mình, từ đó thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư bền vững trong nước và quốc tế.
Ông Pramit Chanda, Giám đốc Chương trình Dệt may toàn cầu của Tổ chức IDH khẳng định: “Với IDH, Việt Nam là một quốc gia quan trọng mà IDH ưu tiên hỗ trợ trong thời gian tới. Sự hỗ trợ của IDH sẽ ưu tiên tập trung vào các khu công nghiệp cam kết phát triển theo hướng bền vững. Hôm nay chúng tôi vui mừng đã ký thoả thuận hợp tác với khu công nghiệp Bảo Minh, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Bảo Minh toàn diện trong thời gian tới để trở thành một khu công nghiệp bền vững, về cả mặt môi trường, xã hội và quản trị".
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng giám đốc, đại diện khu công nghiệp Bảo Minh cho hay, để hướng đến sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bảo Minh đang hướng đến những hành động thiết thực để phát triển và áp dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Cùng với đó, khu công nghiệp này đã và đang đẩy mạnh quá trình tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đồng thời mở hướng đi mới trong việc tận dụng bùn thải sau quá trình xử lý chất thải làm nguyên liệu cho công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, cập nhật thêm về thực hành sản xuất bền vững tại các khu công nghiệp ở Việt Nam; chia sẻ những thực hành tốt tại khu công nghiệp Bảo Minh cũng như các vấn đề còn tồn tại cần sự chung tay giúp đỡ của các bên liên quan; thảo luận các phương án và kế hoạch thúc đẩy chương trình khu công nghiệp bền vững đi theo đúng định hướng về chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050. Cũng trong chương trình, đại diện các bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ thúc đẩy phát triển khu công nghiệp Bảo Minh thành khu công nghiệp kiểu mẫu, đi đầu về phát triển bền vững đáp ứng được các yêu cầu của quốc gia, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Chương trình thúc đẩy các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam do VBCSD-VCCI triển khai dưới sự chỉ đạo của VCCI, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng tới bốn mục tiêu chính: Xây dựng Bộ chỉ số phát triển bền vững dành cho các khu công nghiệp, hỗ trợ xây dựng bản đồ khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam; Đánh giá thực trạng, phát hiện những mặt tồn tại và hỗ trợ các khu công nghiệp nâng cao năng lực theo hướng phát triển bền vững ở các khía cạnh quản trị, môi trường và lao động – xã hội; Thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo hướng bền vững; Hỗ trợ thành lập các hiệp hội các khu công nghiệp bền vững ở cấp độ trung ương và địa phương.
Dự án hiện đang ở giai đoạn khởi động, xây dựng các cơ sở khoa học và pháp lý để triển khai hoạt động trong những năm tiếp theo.