Sau điều chỉnh của liên bộ Công Thương - Tài chính, xăng E5RON92 không cao hơn 22.120 đồng/lít (giảm 793 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Xăng RON95-III không cao hơn 23.262 đồng/lít (giảm 898 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Các loại dầu cũng được điều chỉnh giảm, dầu diezen 0.05S không cao hơn 20.707 đồng/lít (giảm 292 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 20.588 đồng/lít (giảm 335 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 15.598 đồng/kg (giảm 489 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 1/2/2024 - 7/2/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: thông tin về cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza, xung đột tại khu vực Biển Đỏ, tồn kho xăng dầu tại Mỹ tăng lên, nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang được đại tu, cháy nhà máy lọc dầu tại Nga, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn có thể hạn chế nhu cầu dầu… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 1/2/2024 và kỳ điều hành ngày 8/2/2024 là 93,560 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 4,060 USD/thùng, tương đương giảm 4,16% so với kỳ trước); 98,352 USD/thùng xăng RON95 (giảm 4,242 USD/thùng, tương đương giảm 4,13% so với kỳ trước); 102,230 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,410 USD/thùng, tương đương giảm 1,36% so với kỳ trước); 104,384 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (giảm 1,134 USD/thùng, tương đương giảm 1,07% so với kỳ trước); 439,112 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 15,416 USD/tấn, tương đương giảm 3,39% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, liên bộ Tài chính - Công Thương chỉ trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập và cũng không chi Quỹ Bình ổn đối với tất cả loại xăng dầu còn lại.
Trước đó, ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình đảm bảo cung cấp xăng dầu, điện Tết Nguyên đán 2024 cũng như triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) , Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Xăng dầu quân đội (Mipecorp) và một số đơn vị trực thuộc.
Bộ trưởng nhấn mạnh, xăng dầu và điện là những mặt hàng chiến lược không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng và an toàn xã hội.
Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất là không để gián đoạn nguồn cung, không để thiếu điện - xăng dầu trong mọi tình huống, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các quy định, chủ động đề xuất về những cơ chế chính sách hoặc những giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả đối với diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Đồng thời chia sẻ trách nhiệm với các đơn vị xăng dầu khác.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành (Nghị định 83, 95, 80) theo hướng để thị trường điều tiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hài hoà lợi ích; Tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các đơn vị có vi phạm trên tinh thần ai làm tốt thì để người đó làm và ngược lại.