Video Cận cảnh công trường thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong:
Phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường thi công cao tốc thành phần Chí Thạnh - Vân Phong những ngày đầu tháng 10/2023, khi cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống dẻo đất ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, báo hiệu bắt đầu mùa mưa kéo dài 2 - 3 tháng tới, để ghi nhận hình ảnh các đơn vị thi công "vượt nắng thắng mưa" trên công trường, đảm bảo tiến độ theo mục tiêu đề ra.
Thời điểm này hàng năm, lượng mưa ở đây khá dày, nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 22 – 26 độ C, mặc dù trời mưa có thể khiến cho mọi hoạt động xây dựng, thi công, nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông trở nên khó khăn, nhưng trên công trường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đã nên hình hài, tiếng máy móc, công nhân trao đổi công việc vẫn duy trì sôi động...
Cao tốc thành phần Chí Thạnh - Vân Phong dài hơn 48 km, đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên, có tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Hiện nay, trên toàn tuyến dự án, các nhà thầu đang triển khai 42 mũi thi công, với hơn 540 đầu máy móc thiết bị, với khoảng 1.100 cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động, tập trung thi công các hạng mục cầu, cống, hầm chui... đảm bảo tiến độ trước trước mùa mưa bão.
Dự án được chia làm 2 gói thầu XL01, XL02.
Gói thầu XL01 do Liên danh nhà thầu thi công: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Tổng công ty Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương Mại 68. Gói thầu dài 24 km, với giá trị 4.300 tỷ đồng. Trên tuyến, có hầm xuyên núi Tuy An dài 1.020 m và 16 cầu (gồm 11 cầu trên tuyến chính, 5 cầu trên tuyến ngang và nút giao).
Gói thầu XL02 do Liên danh thi công gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. Gói thầu dài hơn 24 km, với giá trị là 4.103 tỷ đồng.
Ông Phạm Trường Vũ, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Ban Quản lý dự án 7) cho biết, đến đầu tháng 10/2023, dự án đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 13% khối lượng thi công so với hợp đồng. Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch cho dự án được khoảng 93%, nhưng thực tế, các nhà thầu chỉ tiếp cận để thi công được khoảng 90% do mặt bằng "xôi đỗ", nhất là tại các vị trí quan trọng như đường dẫn vào hầm Tuy An, cầu Đà Rằng... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công chung.
Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng các khu tái định cư của các địa phương có dự án đi qua chậm so với mục tiêu đề ra; công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện 110kV, 220kV trên tuyến dự án chạy qua nằm đúng vị trí gia tải nền đường sau gia cố trong khoảng 13 tháng chưa hoàn thành; vướng mắc thỏa thuận mức giá đền bù đất đai; khó khăn về nguồn đất đắp nền đường gia tải... cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Hy vọng tới đây, nhất là trong thời điểm 3 tháng mùa mưa bão, các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh tới huyện, xã tiếp tục nỗ lực hỗ trợ cho dự án sớm có mặt bằng sạch để tăng tốc bù tiến độ, đảm bảo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đề ra.
"Từ tháng 10, bắt đầu bước vào mùa mưa kéo dài, Ban điều hành dự án trên công trường đang tập trung đôn đốc các nhà thầu tăng tốc thi công các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mùa mưa như: Đúc cấu kiện, dầm thép trong nhà xưởng, đổ bê tông cầu, cống, hầm chui, tập kết vật liệu... để duy trì sản lượng xây dựng và sẵn sàng thi công đồng loạt trên toàn tuyến dự án khi thời tiết thuận lợi, bù tiến độ...", ông Phạm Trường Vũ chia sẻ.
Còn theo ông Trương Công Đạt, Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01, tuyến đường công vụ từ ĐT643 đến hầm Tuy An xuyên núi đang bị vướng khoảng 100 m đất nhà ở, đất rừng sản xuất của người dân chưa được giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các vị trí cắt qua khu dân cư hay các vị trí đào đất phục vụ điều phối dọc tuyến đường đắp cấp phối K95 còn vướng mặt bằng không thể triển khai... Vì vậy, từ ngày 10/8 đến nay, nhà thầu đã tạm dừng thi công vì chưa có mặt bằng. Nhà thầu muốn tranh thủ thời tiết thuận đẩy nhanh tiến độ thi công, bù đắp thời gian mùa mưa sắp tới ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi công.
"Liên danh nhà thầu đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 về tình hình vướng mắc mặt bằng thi công, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ. Trên công trường gói thầu XL01, các nhà thầu đã huy động hơn 200 đầu máy thiết bị, triển khai 19 mũi thi công đồng loạt, với gần 500 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động... tham gia làm đường công vụ, đào đắp nền đường, đắp cát K90, hầm chui, cầu cống… nếu bị dừng thi công, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ...", ông Trương Công Đạt cho hay.
Đáng chú ý là hạng mục hầm Tuy An xuyên núi dài 1.020 m thuộc gói thầu XL01 có vai trò quyết định tiến độ hoàn thành dự án thời gian tới, nếu không có mặt bằng thi công, mục tiêu thông hầm vào tháng 9/2024 Bộ GTVT đặt ra sẽ khó hoàn thành.
Ngoài ra, cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong dự kiến cần khoảng 5,5 triệu m3 đất, nhưng hiện nay, các mỏ được phép khai thác mới dự kiến trữ lượng đạt khoản 4,43 triệu m3, nhưng vẫn chưa khai thác được mỏ nào tại địa phương. Thêm vào đó, các nhà thầu cũng đang gặp khó khăn về thỏa thuận giá thuê đất với các hộ dân trên tuyến để tập kết bãi đổ thải phế thải... Vì vậy, Ban Quản lý dự án đề xuất cần tạo điều kiện cơ chế đặc thù sớm tháo gỡ các vướng mắc trên cho các nhà thầu đảm bảo tiến độ...
Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ghi nhận nỗ lực của các đơn vị thi công, yêu cầu Ban Quản lý dự án 7, các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công khi thời tiết thuận lợi. Đối với các tồn tại về mặt bằng do hạ tầng kỹ thuật, bố trí tái định cư, vướng mắc mỏ vật liệu... chủ đầu tư và các nhà thầu cần tăng cường phối hợp với địa phương để giải quyết, bàn giao dứt điểm những đoạn tuyến còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công.
Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong có điểm đầu trùng điểm cuối dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên), điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 và dự án hầm Đèo Cả ở huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên). Dự án đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Theo thiết kế, trên tuyến có 5 nút giao liên thông, 32 cầu, 1 hầm đường bộ xuyên núi, 46 hầm chui, 12km đường gom và 246 cống ngang.
Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo các huyện có cao tốc đi qua khẩn trương di dời các "điểm nghẽn" mặt bằng, hạ tầng lưới điện, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi công trước mắt, đảm bảo hoàn thành trong tháng 10/2023 bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư; đồng thời, tập trung giải quyết các vướng mắc về hạ tầng, nguồn vật liệu, khu tái định cư trong năm 2023.