Nhưng thực tế cho thấy rất khó để đạt được mục tiêu. Do từ đầu năm đến nay, nhiều công trình xây dựng không thể giải phóng được mặc bằng. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 đang tái bùng phát, nhiều ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải chịu tác động trực tiếp.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 toàn tỉnh (không bao gồm các dự án trên địa bàn tỉnh do Trung ương quản lý) tính đến ngày 25/7 là hơn 1.874 tỷ đồng, đạt 30,3% so với tổng kế hoạch vốn sau khi cắt giảm và đạt 31,9% so với kế hoạch vốn đã phân bổ.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Đặng Phong cho biết, đối với kế hoạch vốn năm 2020, dự kiến đến 30/9, tỉnh Quảng Nam phấn đấu giải ngân tổng kế hoạch vốn đạt hơn 63%; trong đó, tập trung giải ngân phần vốn trong nước ngân sách Trung ương đạt hơn 52% và ngân sách tỉnh đạt 71%; riêng phần vốn nước ngoài (vốn Ngân sách Trung ương cấp phát và tỉnh vay lại) đạt 30%. Tỉnh phấn đấu đến 31/12, phần vốn trong nước ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đạt 100%; riêng phần vốn nước ngoài đạt 60%.
Ông Đặng Phong cho biết thêm, hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang không thể giải ngân hết 100% vốn đầu tư công vì còn quá nhiều điểm nghẽn từ cơ chế lẫn sự thiếu chặt chẽ của địa phương dẫn đến việc thẩm định dự án và việc giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu trước mắt, tỉnh Quảng Nam cần tập trung mọi nguồn lực nhằm thực hiện nghiêm các giải pháp, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh cũng cần đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục rà soát, cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ cuối tháng 7/2020 cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân vốn, đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án nhập khẩu nguyên, vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu; thực hiện kiểm soát tốt giá cả, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội; cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2020 và cắt giảm từ 50 - 100% dự toán các khoản chi chưa thật sự bức thiết, các nguồn kinh phí chi lễ hội, hội thảo.
Từ đó, vực dậy các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động, vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, hướng đến phục hồi và phát triển nền kinh tế, ổn định đời sống của người dân.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 3,5-4%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 18.774 tỷ đồng; thu nội địa phấn đấu đạt 13.524 tỷ đồng (hụt thu khoảng 7.000 tỷ đồng).
Do đó, tỉnh Quảng Nam cần sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, cùng chung tay khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo, bám sát tình hình, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Ông Lê Trí Thanh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục, mẫu tờ trình, báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công.
Đồng thời, hướng dẫn lộ trình bãi bỏ các quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công 2014, cập nhật hướng dẫn các quy định theo Luật Đầu tư công 2019, làm cơ để các ngành, địa phương triển khai thuận lợi và hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch 2021.
Bên cạnh đó, nhằm chủ động điều chuyển nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2020 để đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 (kể cả vốn ODA cấp phát) để địa phương có cơ sở thực hiện.
Năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ hơn 5.851 tỷ đồng, đạt 94,5% kế hoạch vốn sau khi cắt giảm; kế hoạch vốn chưa phân bổ hơn 341 tỷ đồng chủ yếu thuộc các dự án mới thuộc chương trình bổ sung ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và chương trình mục tiêu bổ sung các dự án quan trọng quốc gia từ nguồn dự phòng, đang thực hiện thủ tục phê duyệt dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 88,49% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 33,57% theo tiến độ dự toán, bằng 62,4% so với cùng kỳ; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt yêu cầu.
Tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng…
Trong khi đó, địa bàn Quảng Nam rộng và phân tán, kết cấu hạ tầng về kinh tế, an sinh xã hội còn yếu, tỉ lệ hộ nghèo cao, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng rất nhiều. Do đó nhu cầu về nguồn lực đầu tư và chi trả chế độ chính sách các lĩnh vực trên rất lớn, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành cân đối ngân sách không chỉ năm 2020 mà cả trong giai đoạn tiếp theo.