Vùng tiêu Tây Nguyên tìm cách hồi sinh - Bài 1: Kiệt quệ nơi 'thủ phủ hồ tiêu'

“Có những thời điểm, người dân xã Nam Yang chỉ cần bốc 3 nắm hạt tiêu đem bán là có thể ăn nhậu cả ngày”- câu nói của ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai), về thủ phủ tiêu Tây Nguyên khiến tôi không khỏi bất ngờ trước những gì mắt thấy, tai nghe ở vùng đất này.

Vườn “cứ trồng là chết”

Đắk Nông và Gia Lai là hai địa phương có diện tích hồ tiêu, cà phê lớn nhất Tây Nguyên, nhưng hiện nay rất nhiều nông dân đã rơi vào cảnh trắng tay.

Chú thích ảnh
Những vườn tiêu chết khô chỉ còn trơ cọc, vẽ những hình loang lổ lên bức tranh hồ tiêu Tây Nguyên.

Dọc Quốc lộ 14 từ thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) đến thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, Gia Lai), thay cho những vườn tiêu xanh ngát trước kia, giờ đây là những dải đất tiêu điều, xơ xác. Những trụ tiêu bằng bê tông trơ trọi, thân tiêu khô vắt loằng ngoằng. Những trụ tiêu bằng gỗ thì được đào lên đem bán nhằm vớt vát tiền của đã bỏ ra. Tất cả tạo thành bức tranh loang lổ, vằn vện trên rẫy, trên vườn, trên ruộng...

Nhìn đống trụ tiêu chất đống hai bên đường để mặc nắng mưa, ít ai biết rằng, một thời những trụ tiêu trên từng là hàng quý hiếm khi giá hồ tiêu tăng mức kỷ lục, người người nhà nhà trồng hồ tiêu. Có thời điểm, mỗi trụ tiêu này có giá đến hơn 250.000 đồng. Giờ đây, trụ bán được cũng chỉ vài chục nghìn, còn lại thì làm củi.

Anh Võ Hoài Nhơn (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) kể lại, trước đây nhà anh có tới cả nghìn trụ tiêu cùng vườn tiêu xanh mướt. Thế nhưng đến giờ khối tài sản ấy cũng mới chỉ bán được có hơn trăm trụ với giá 30.000 – 40.000 đồng mỗi trụ. "Biết làm sao được khi tiêu chết, xuống giá thảm hại. Thời điểm hồ tiêu có giá hơn 200.000 đồng/kg, nên trụ tiêu bằng gỗ lúc đó có giá hơn 200.000 đồng/trụ giờ chỉ bán được với giá vài ba chục nghìn. Còn trụ bê tông lúc đó mua hơn 100.000 đồng/trụ, giờ chỉ bán cho người ta về làm hàng rào với giá 10.000 đồng/trụ. Vậy mà không có mấy ai mua... Số trụ còn lại tôi mong có người đến mua, nhưng rẻ quá tôi cứ để lại. Chờ nếu may ra vài năm nữa tiêu lên giá lại có thể trồng tiêu tiếp”.

“Gia đình tôi bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư, chưa kịp thu hồi vốn thì vườn tiêu chết sạch. Số tiền vay ngân hàng giờ năm nào cũng phải trả lãi, mà không biết xoay trở thế nào để trả, bà con trồng tiêu như chúng tôi rất khó khăn. Giờ đành nhổ trụ bán vớt vát lại chút ít, rồi chuyển sang trồng cà phê, trồng sắn", anh Nhơn ngao ngán.

Xem clip những rẫy hồ tiêu xơ xác bị bỏ không:

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) kể: Thời đỉnh cao của cây hồ tiêu là từ năm 2014 trở về trước. Lúc đó, mỗi cân tiêu có giá 200 – 250.000 đồng và người trồng tiêu "trúng" lắm. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên nhan nhản, nhà hàng, quán ăn như đội nấm sau mưa.

Gia Lai và Đắk Nông là những địa phương được xem rất phù hợp để phát triển sản xuất hồ tiêu. Ngoài những điều kiện của tự nhiên, xã hội, người nông dân có kinh nghiệm thâm canh, sản xuất cây hồ tiêu. Tuy nhiên, bắt đầu năm 2015, tiêu chết dần, chết dần và người dân điêu đứng.

"Cơn đại hạn năm 2015, 2016 và dịch bệnh năm 2017, 2018 đã khiến người dân gần như kiệt sức, không thể theo đuổi nghề trồng tiêu. Bà con giờ không còn gì cả, bước đường cùng rồi, giờ phải nhổ cả trụ tiêu mà bán" - ông Hoàng Phước Bính chia sẻ.

Nợ xấu chất chồng

Gặp tôi, ông Nguyễn Văn Tám, một trong những “đại gia hồ tiêu” - làm giàu nhờ cây tiêu ở Thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pứh (Gia Lai) buồn bã: “Trước đây người dân huyện Chư Pứh làm giàu nhờ cây tiêu, thì nay nghèo cũng vì cây tiêu”.

Chú thích ảnh
Bước đường cùng, người dân phải nhổ cả trụ tiêu đem bán.

Theo ông Tám, ở vào thời kỳ cây hồ tiêu đạt đỉnh, mỗi năm gia đình ông thu về 3 - 4 tỷ đồng từ 5 ha trồng cây “vàng đen” này. Việc vay ngân hàng vài tỷ để phát triển hồ tiêu cũng rất dễ dàng.

“Không ai nghĩ có ngày giá tiêu chỉ còn 30 – 40.000 đồng/kg như hiện nay. Thôn chúng tôi có gần 200 hộ, hộ nào cũng có trồng tiêu ít nhiều. Làm càng to nợ càng nhiều”.

Cũng theo ông Tám, trong gần 200 hộ ở thôn thì có khoảng 30% số hộ vay hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ vay vài ba trăm triệu đồng. Việc giá tiêu hạ thấp, thậm chí chỉ còn chưa bằng 1/5 so với thời kỳ phát triển cao điểm khiến nhiều người dân ở Chư Pứh khốn đốn vì phải gánh lãi suất ngân hàng và vốn vay. Không có tiền trả ngân hàng, nhiều người dân bỏ xứ đi làm thuê. Nhiều gia đình phải thế chấp cả nhà cửa, khi ngân hàng thu hồi trở thành người mất nhà.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Tám, một trong những “đại gia hồ tiêu” một thời ở huyện Chư Pứh, Gia Lai.
“Trước đây có cán bộ về ngăn không trồng tiêu nhiều. Có hộ nghe, có hộ không nghe, rồi thấy có lãi lại mở ra làm lớn hơn. Còn chuyện khoa học kỹ thuật thì chúng tôi cũng chỉ làm theo kinh nghiệm, nghĩ đất tốt, trái tốt nên dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Như tôi cũng bỏ làm nhà nước đi trồng tiêu. Đến giờ chỉ mong nhà nước có hướng giúp dân là vấn đề khoanh nợ ngân hàng” - ông Nguyễn Văn Tám buồn bã nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm 30/6/2019, dư nợ đối với cho vay sản xuất hồ tiêu bị thiệt hại là 522.977 triệu đồng. Hiện nay số khách hàng đang vay nợ ngân hàng để trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là khoảng 20.300 người (doanh nghiệp, hộ gia đình), trong đó số khách hàng có vay vốn để sản xuất hồ tiêu nhưng bị thiệt hại năm 2018 là 1.555 người (hộ).

Đối với những hộ có vay vốn để sản xuất, hiện nay giá tiêu xuống rất thấp trong khi vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, công lao động lại tăng cao nên giảm đầu tư, chấp nhận chịu lãi ngân hàng để giữ vườn tiêu chờ giá tăng trở lại. Từ đó phát sinh tệ nạn như tín dụng đen, vay nóng... ở nhiều nơi.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông báo kết luận số 141ª/TB-NHNN ngày 21/5/2019 và của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất tiêu bị thiệt hại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ (như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi vay và cho vay mới) cho hơn 830 khách hàng với số tiền hơn 151.460 triệu đồng (khoảng 840 ha).

Bỏ xứ tìm kế sinh nhai

Từ một nơi được mệnh danh là "thủ phủ hồ tiêu", đến nay, những người còn điều kiện kinh tế thì phá bỏ vườn tiêu chuyển sang cây trồng khác, nhưng đây chỉ là số ít. Phần lớn không còn khả năng trả nợ, đã phải bán tống, bán tháo vườn cây, bán cả xe hơi, biệt thự, nhà cửa, đất đai để trả nợ. Khó khăn hơn nữa thì người dân bỏ xứ đi kiếm việc làm nuôi thân và trang trải nợ nần. Nương rẫy, ruộng vườn không thể níu chân những người quê vội vã với giấc mộng đổi đời.

Chú thích ảnh
Không còn sinh kế, mảnh đất quê hương không còn níu chân được những giấc mơ đổi đời.

Ở thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pứ, anh H. (nhân vật mong muốn giấu tên) mang nợ lớn tới 1 tỷ đồng, hai vợ chồng anh phải đi làm xa để kiếm cơm qua ngày. Gặp chúng tôi, chị X (vợ anh H.) chia sẻ, từ cách đây 3 năm, tiêu bắt đầu chết vàng úa ngoài rẫy. Là gia đình có kinh nghiệm hàng chục năm trồng tiêu mà rẫy nhà đã chết khoảng 5 nghìn trụ tiêu, còn hơn 1 nghìn trụ tiêu trên rẫy đang tiếp tục chết. Hiện, nợ ngân hàng gia đình không đủ khả năng trả lãi.

Chị X. rơm rớm nước mắt: “Đến tiền ăn còn không đủ, lấy gì trả lãi ngân hàng. Cô con gái lớn học lớp 11 nhưng buộc phải nghỉ học, đi làm luôn phụ giúp bố mẹ. Chị cũng đã vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân đỡ chồng để có thêm thu nhập. Hiện nhiều người dân chuyển sang trồng cà phê, nhưng trồng vậy thôi chứ cũng chưa rõ hiệu quả như thế nào.”

Gia đình ông Tám hiện nay còn nợ ngân hàng 750 triệu đồng. 5 ha đất của gia đình còn nguyên nhưng đều là đất trống, tiêu đã chết hoàn toàn.

Ông Tám kể, mình tự làm, không đầu tư quá nhiều nhưng chỉ riêng máy móc nhà cửa mua rồi bán đã thiệt quá nhiều, ví dụ mua đất 100 thì bán 10.

Ông Võ Văn Tý, thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pứh (Gia Lai) cũng chia sẻ: “Rất nhiều hộ bỏ quê mà đi. Chính quyền cũng đến kiểm tra nhưng chủ yếu là bắt dân kê khai tiêu chết ở đâu, chết bao nhiêu chứ cũng không có giải pháp gì cụ thể. Người dân tự ý thay đổi giống cây trồng cây bơ, sầu riêng, mít… bạt ngàn. Nhưng nếu không có chính sách hợp lý thì thời gian nữa sẽ dễ mắc giống cây tiêu”.

Nông dân Võ Hoài Nhơn tâm sự:


Ôm số nợ hơn 300 triệu đồng, anh Võ Hoài Nhơn (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết, gia đình đã treo biển rao bán đất hơn 1 năm nay nhưng chỉ duy nhất có 1 người hỏi rồi cũng không thấy quay lại. Vừa trở về từ Bà Rịa - Vũng Tàu, anh đang chuẩn bị cho một cái Tết cận kề với hy vọng Tết này bán được mảnh đất để trang trải nợ nần và anh vẫn nuôi hy vọng vực lại vườn tiêu...

Bài 2: Những mảnh vỡ quy hoạch

L. Sơn/Báo Tin tức
Bàn giải pháp thực hành, canh tác hồ tiêu bền vững
Bàn giải pháp thực hành, canh tác hồ tiêu bền vững

Ngày 12/11, tại khách sạn Pullman (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã diễn ra hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 47.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN