Với mạng lưới 2.846 Tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2016 Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Nông dân, Đoàn Thanh niên. Năng lực quản lý vốn của tổ sẽ được rà soát lại, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý và kết hợp với kỹ năng tuyên truyền hướng dẫn hộ vay vốn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, đúng mục đích và có hiệu quả. Hoạt động cho vay và huy động tiết kiệm tại tổ được đẩy mạnh để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Ngay từ đầu năm 2016, các hội, đoàn thể đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ và hộ vay; xử lý các trường hợp chiếm dụng và thu hồi để tạo vốn quay vòng tiếp tục đầu tư cho các đối tượng chính sách khó khăn có nhu cầu vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, duy trì và mở rộng việc làm...; trong đó, ưu tiên cho các xã điểm để hoàn thành các tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện Vĩnh Long có 99.305 hộ còn dư nợ 1.385 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng chính sách như: cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, công tác cho vay ủy thác tín dụng chính sách qua các đoàn thể đã giúp cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện công khai, dân chủ và xã hội hóa hoạt động tín dụng ngân hàng; đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân khó khăn có nhu cầu vay vốn.
Qua tư vấn của cán bộ đoàn thể, vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo đổi mới cách nghĩ cách làm, xây dựng các mô hình sản xuất đa dạng để sử dụng vốn hiệu quả. Khó khăn hiện nay của chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các Hội đoàn thể là năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa cao, một số xã chưa kết hợp với Hội đoàn thể thực hiện kiểm tra sau khi cho vay dẫn đến tình trạng lãi tồn đọng và nợ quá hạn tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tạo nguồn vốn quay vòng để tiếp tục cho vay đối tượng chính sách khó khăn có nhu cầu.