Việt Nam vẫn 'bỏ ngỏ' thị trường tài trợ chuỗi cung ứng

"Việt Nam vẫn 'bỏ ngỏ' thị trường tài trợ chuỗi cung ứng", đây là thông tin tại hội nghị thường niên lần thứ 4 về tài trợ chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp của APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 11/11.

Chú thích ảnh
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Tại đây, các diễn giả và đại biểu đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về mở rộng thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác của APEC.

Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục ghi nhận có sự tăng trưởng tích cực. Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.

Khi không có giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp và phân phối khó có thể tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Do đó, theo thống kê của Hệ thống quốc gia Đăng ký giao dịch đảm bảo, số lượng các đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.

Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, trong xu thế hiện nay, việc tham gia vào chuỗi cung ứng và tài trợ chuỗi cung ứng là một giải pháp hữu ích. Điều này không chỉ giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng đối với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng. Do đó, tài trợ theo hình thức chuỗi sẽ là một xu hướng phát triển của hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy vậy, hiện nay việc tài trợ chuỗi cung ứng còn gặp khó khăn do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch. Năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế khi tham gia các chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu; cũng như chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử cho tài trợ chuỗi cung ứng.

Do vậy, bà Hà Thu Giang cho rằng, hội thảo này là cơ hội để các bên có thể trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nhằm thúc đẩy hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Từ đó, cũng giúp cho các cơ quan quản lý có thêm cơ sở, thực tiễn để nghiên cứu và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, trong một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, sự sẵn có của các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng sẽ giúp các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước tăng cường mối liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện rất ít tổ chức tài chính ở Việt Nam cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng hiện đại với quy mô lớn. Đây được coi như một cơ hội bị bỏ lỡ cho cả các nhà cung cấp dịch vụ tài chính lẫn các doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Phiên thảo luận về cơ hội và thách thức phát triển thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam. 

Với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), IFC đang triển khai một dự án tư vấn thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam thông qua cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng ngành, năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng và nhận thức của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. IFC cam kết hỗ trợ cho các bên tham gia chuỗi cung ứng của Việt Nam phát triển và đa dạng hóa hơn nữa thị trường tài trợ chuỗi cung ứng.

Tin, ảnh: Hứa Chung (TTXVN)
Tìm giải pháp tăng tính cạnh tranh cho chuỗi cung ứng nông sản
Tìm giải pháp tăng tính cạnh tranh cho chuỗi cung ứng nông sản

Ngày 7/11, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  phối hợp với Bộ Thương mại Thái Lan và Viện Mekong tổ chức Diễn đàn thương mại Mekong – Lan Thương 2019, với chủ đề tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua đổi mới trong ngành thực phẩm chế biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN