Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng phòng tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với lợi thế đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ gắn liền với biển. Tuy nhiên, việc khai thác kinh tế biển của nước ta vẫn còn hạn chế, giá trị tổng sản phẩm hàng năm vẫn còn thấp so với tiềm năng.
Bà Siren Gjerme Eriksen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: voh.com.vn |
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực kinh tế biển trực tiếp như dầu khí, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, đóng mới, sửa chữa tàu biển, sản xuất muối công nghiệp hay các dịch vụ kinh tế ven biển hoặc mới hình thành, hoặc đã hình thành, nhưng phát triển không bền vững. Đây sẽ tiếp tục là thách thức đối với Việt Nam trong việc phát triển kinh tế biển hiệu quả, đảm bảo môi trường, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách, quy hoạch mới và tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để cải thiện tình trạng trên.
Bà Siren Gjerme Eriksen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, Na Uy và Việt Nam đều có thế mạnh về kinh tế biển, phát triển hàng hải và dầu khí. Đây cũng là lĩnh vực đã kết nối hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong suốt nhiều năm qua. Từ năm 1979, Na Uy đã tham gia hỗ trợ, đào tạo nhân lực cho ngành dầu khí Việt Nam. Đồng thời, làm việc với Việt Nam để phát triển các hệ thống, quy định về tiêu chuẩn môi trường và an toàn cho ngành công nghiệp này.
Theo bà Siren Gjerme Eriksen, Hội thảo này là bước đệm để hai bên tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác, phát huy lợi thế biển, trong đó các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển cũng như kết nối kinh tế biển của hai nước. Trong thời gian tới, nếu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) đàm phán thành công thì sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Na Uy.
Một trong những điểm nhấn tại hội thảo đó là những chia sẻ kinh nghiệm của đối tác Na Uy về việc phát triển nghề nuôi hải sản trên biển. Ông Erik Hempel, Giám đốc truyền thông Quỹ Nghề cá Na Uy cho rằng, nền tảng tương lai của ngành thủy sản là khoa học và công nghệ. Để phát triển bền vững nghề nuôi biển cần quản lý nguồn lợi thủy hải sản bền vững, không sử dụng kháng sinh, hóa chất và phải có khung pháp lý hoàn thiện.
Trong khuôn khổ của hội thảo còn có các phiên thảo luận chuyên sâu về các ngành kinh tế biển mà cả hai quốc gia cùng có lợi thế hợp tác, như phát triển sản ngành thủy sản hiệu quả kinh tế, bền vững môi trường; công nghệ vận hành hiệu quả cảng biển, và phát triển ngành công nghiệp tàu biển bền vững. Hội thảo này là một trong những hoạt động để cụ thể hóa chiến lược hợp tác, khai thác và phát huy hết tiềm năng cũng như lợi thế các ngành kinh tế biển của Việt Nam và Na Uy.