Đại diện phái đoàn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Sherpa. |
Tham dự hội nghị có các nước thành viên G20; các nước khách mời Hà Lan, Na Uy, Singapore, Việt Nam, Guinea (Chủ tịch Liên minh châu Phi) và Senegal (Chủ tịch Quan hệ đối tác mới vì phát triển châu Phi); đại diện các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh (Sherpa G20 của Việt Nam) làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị với tư cách Chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017.
Tiếp nối các kết quả đạt được tại Hội nghị Sherpa G20 lần thứ 2 và các hội nghị và các nhóm công tác chuyên ngành, Hội nghị Sherpa G20 lần này tiếp tục thảo luận các vấn đề về kinh tế - tài chính toàn cầu, kinh tế số, phát triển bền vững, hợp tác với châu Phi, năng lượng, biến đổi khí hậu, y tế, bình đẳng giới, chống khủng bố, chống tham nhũng… Tại hội nghị lần này, Đức đã đưa ra dự thảo các nội dung chính trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20 để các nước thảo luận.
Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã chủ động, đóng góp tích cực, thực chất vào nội dung thảo luận, cũng như đưa ra các kiến nghị về dự thảo Tuyên bố chung, được hội nghị hoan nghênh và ghi nhận.
Về y tế, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh đánh giá cao nỗ lực của các nước G20 trong đảm bảo sức khoẻ toàn cầu, phòng chống dịch bệnh; khẳng định hợp tác toàn cầu trong đối phó với tình trạng chống kháng kháng sinh là cấp thiết; đề nghị bổ sung vào Tuyên bố chung nội dung các nước G20 tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng này.
Về Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, đoàn Việt Nam nhấn mạnh khía cạnh phát triển bao trùm toàn diện; đề nghị các nước G20 thúc đẩy phát triển bao trùm cả về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả kinh tế, tiếp cận tài chính và đảm bảo công bằng xã hội.
Về kinh tế số, đoàn Việt Nam hoan nghênh G20 coi doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và khởi nghiệp (start-up) là xương sống của nền kinh tế và động lực sáng tạo; đưa ra sáng kiến đề nghị các nước G20 thành lập Diễn đàn Toàn cầu về khởi nghiệp nhằm chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm toàn cầu về thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp.
Về an ninh lương thực và nguồn nước, Trưởng đoàn ta nhấn mạnh nước là nguồn tài nguyên quý giá; đề nghị G20 cam kết thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu nhằm sử dụng bền vững và quản lý hiệu quả nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới, nhằm đối phó tốt nhất với tổ hợp các thách thức có liên quan chặt chẽ đến nhau là an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.
Về kinh tế toàn cầu, đoàn ta nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu là nhiệm vụ chung của các nền kinh tế. Bên cạnh nỗ lực của G20, các thể chế, diễn đàn toàn cầu và khu vực cũng đóng góp vai trò quan trọng; đề nghị G20 tăng cường phối hợp chính sách giữa G20 và các định chế, diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có APEC và ASEAN, nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.
Thảo luận tại hội nghị, các nước và tổ chức quốc tế đều nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như y tế, việc làm, hợp tác với châu Phi, bình đẳng giới, số hoá, sử dụng hiệu quả nguồn lực, rác thải biển, an ninh lương thực và nguồn nước, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hợp tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chống khủng bố, tham nhũng …