Phát biểu tại hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao vị trí, vai trò đặc biệt của Quảng Tây trong tổng thể hợp tác Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm lần này của Bí thư Lưu Ninh khi Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công tác nước ngoài sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra các đề xuất về tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng, thúc đẩy mở rộng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và thúc đẩy phân luồng thông quan cửa khẩu nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục triển khai nhiều nội dung hợp tác trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác song phương.
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị phía Quảng Tây sớm hoàn thành thủ tục để đưa tuyến đường chuyên dụng hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài (qua khu vực mốc 1088/2-1089) vào vận hành chính thức; khôi phục hoàn toàn hoạt động của các cửa khẩu lối mở giữa Việt Nam - Quảng Tây như Bình Nghi - Bình Nghi Quan, Na Hình - Kéo Ái, Pò Nhùng - Dầu Ái…
Cùng đó, xem xét cấp thị thực cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của các doanh nghiệp Việt Nam có hiệu lực trong 1 năm và được đi lại nhiều lần, nghiên cứu sớm dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với lái xe khi nhập cảnh để giúp thuận lợi hóa thông quan và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Về thúc đẩy mở rộng nhập khẩu nông sản của Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị Quảng Tây tiếp tục thúc đẩy cơ quan chức năng Trung Quốc mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm nhập khẩu các loại quả này trong khi chờ cơ quan chức năng chính thức cấp phép.
Bộ trưởng cũng đề nghị phía Quảng Tây khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa hoạt động giao nhận nông sản, trái cây qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm tận dụng được cơ sở hạ tầng các cửa khẩu sẵn có, giảm áp lực thông quan hàng hóa, tránh tái diễn tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu chính hiện nay.
Phát biểu tại hội đàm, Bí thư Lưu Ninh nhấn mạnh vai trò của Việt Nam khi là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong suốt 24 năm qua và chia sẻ những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong thời gian qua khi tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới về cơ bản đã được giải quyết, lượng phương tiện thông quan hàng ngày đạt trên 1800 phương tiện.
Cùng đó, thương mại nông sản năm qua giữa hai bên đạt khoảng 2,1 tỷ USD, các doanh nghiệp Quảng Tây đã tham gia rất nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản của Việt Nam như Hội nghị thúc đẩy xoài của Sơn La, vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương...
Đối với các đề xuất của Bộ trưởng, Bí thư Lưu Ninh hoàn toàn nhất trí với các đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và sẽ giao cho các ban/ngành và địa phương Quảng Tây nhanh chóng phối hợp với phía Việt Nam nghiên cứu triển khai.
Bí thư Lưu Ninh cũng nhất trí với các đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và sẽ giao cho các ban/ngành và địa phương Quảng Tây nhanh chóng phối hợp với phía Việt Nam nghiên cứu triển khai.
Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai bên đã chứng kiến lễ trao danh mục các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Danh mục là văn bản cụ thể hóa những cam kết của hai bên trong năm tổng kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Cũng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Lưu Ninh đã cùng chủ trì Hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới. Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hai bên.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hội nghị được tổ chức là cơ hội rất quý báu để hai bên tìm kiếm những giải pháp duy trì và phát triển quy mô thương mại song phương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Quảng Tây và Việt Nam tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả và thực chất.
Bộ trưởng cũng đã giới thiệu lợi thế lớn của Việt Nam khi đang đàm phán và đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế lớn trên thế giới, là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đưa ra nhiều kiến nghị đối với phía Quảng Tây và các doanh nghiệp, hiệp hội của hai bên như thúc đẩy thuận lợi hóa thông quan, tạo điện kiện cho doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, giảm các thủ tục phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường phổ biến thông tin...
Tại phiên thảo luận, đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai bên đã trao đổi và giải đáp về nhiều nội dung như nhu cầu thị trường, vướng mắc trong quá trình xuất nhập khẩu, cập nhật các quy định mới có liên quan tới hoạt động trao đổi thương mại song phương.