Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017. Chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ, hài hòa với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá đã giúp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra. Kỳ vọng lạm phát neo giữ quanh mức 4% phản ánh niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất trên thế giới có xu hướng gia tăng.
Mặc dù có áp lực nhất định nhưng tỷ giá vàng và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, thông suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt tỷ giá bám sát diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Với việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND, đã giúp giữ ổn định tỷ giá. Hết năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng từ 1,7 - 1,8%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,16% so với năm 2017.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng năm 2018, Việt Nam đã mua ròng trên 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh đó, thị trường vàng diễn biến ổn định dao động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn còn một số khó khăn cần xử lý như điều hành chính sách tiền tệ nhất là tỷ giá, lãi suất trong nước phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực bởi xu hướng biến động của thế giới.
Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức khá cao khoảng 130%. Điều này đòi hỏi chính sách tín dụng cần tiếp tục điều hành thận trọng, hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động ngân hàng; cũng như cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ để tăng cường khả năng huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Việc triển khai các chương trình tín dụng, lĩnh vực cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cho vay các chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình tín dụng chính sách, cho vay tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ và đầy lùi “tín dụng đen”…
Năm 2019, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng.
Đồng thời, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả. Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước, triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước cũng xác định mục tiêu triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.