Nhận định này bắt nguồn từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm tăng cường năng lượng gió và khí đốt.
Trong khi đó, hãng tin Reuters (Anh) nhận định Quy hoạch điện VIII sẽ cần nguồn vốn khổng lồ trị giá 134,7 tỷ USD, một phần trong số đó dự kiến đến từ đầu tư nước ngoài, bao gồm cả cam kết trị giá 15,5 tỷ USD từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Sự chuyển dịch chiến lược sang năng lượng sạch hơn nhấn mạnh vai trò mới của Việt Nam với tư cách là nhà nhập khẩu LNG mới.
Trong ngắn hạn, việc Việt Nam chú trọng vào LNG cho thấy nhu cầu toàn cầu đang tăng cao. Việt Nam hiện chưa nhập khẩu LNG nhưng trong nước đã sản xuất được khoảng 9 GW khí đốt tự nhiên. Theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030, LNG sẽ chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Động thái có thể đẩy giá LNG tăng cao.
Về triển vọng trung hạn, đến năm 2030, năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến sẽ đáp ứng gần 31% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, LNG vẫn sẽ chiếm 24,8% tổng sản lượng năng lượng. Nhu cầu LNG cùng với các khoản đầu tư lớn có thể khiến giá LNG toàn cầu ở mức cao.
Ở khía cạnh dự báo dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 trung hòa carbon, đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn. Ngay cả khi Việt Nam đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo như năng lượng gió, LNG được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nguồn thay thế than đá. Nguồn thay thế này đáng tin cậy và sạch hơn, do đó có vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu và giữ giá ở mức cao.
Reuters kết luận các kế hoạch năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam có sự hỗ trợ từ các cam kết tài chính lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã vẽ nên một bức tranh hấp dẫn về tầm quan trọng mới của Việt Nam trên thị trường LNG toàn cầu. Khi Việt Nam sắp trở thành nhà nhập khẩu LNG quan trọng, nhu cầu tăng cao sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy tăng giá, tác động đến cơ cấu giá của hàng hóa trong các giai đoạn khác nhau.