Cảng cá Nghệ An nhộn nhịp tàu vào ra mang theo những sản vật khai thác được từ biển. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo bài viết, "thẻ vàng" của EU đang khiến hơn 30.000 ngư dân Việt Nam lo ngại về những hậu quả mà họ có thể phải đối mặt. Ông Tonny Long, nguyên Giám đốc Cơ quan Chính sách châu Âu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện là chuyên gia cấp cao tại Viện Quản trị toàn cầu cho biết "hệ thống thẻ EU đưa ra nhằm vào các hoạt động đánh bắt cá không đúng quy định. Các quốc gia sẽ gặp trở ngại nếu bị áp dụng 'thẻ đỏ', khi đó họ có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế khốc liệt cùng các rủi ro nguy hiểm khác”.
Tốc độ phát triển dân số tại châu Á đang gia tăng, nguồn tài nguyên thủy sản tại khu vực đang dần cạn kiệt, trong khi các hoạt động đánh bắt cá quá mức tại các đại dương vẫn tiếp diễn. Có tới 90% ngư trường trên thế giới đang bị khai thác hết công suất hoặc bị xuống cấp.
Theo Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), hàng năm có tới 11-26 triệu tấn cá (chiếm khoảng 15% lượng cá đánh bắt trên toàn thế giới) xuất phát từ các hoạt động đánh bắt cá không đúng quy định. Là nhà nhập khẩu cá lớn nhất thế giới, EU không muốn nhập khẩu lượng cá đánh bắt không bền vững này. Kể từ năm 2012, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành đối thoại với một số quốc gia bị cảnh báo "thẻ vàng". Khi thấy có sự chuyển biến tích cực, cơ quan này có thể chuyển sang "thẻ xanh". Trong trường hợp tình trạng không được cải thiện, EC sẽ áp đặt "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước đó sẽ không có cơ hội thâm nhập thị trường EU.
Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngư nghiệp là một phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Kể từ năm 2006, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Việt Nam cùng các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Na Uy, ước tính có kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên toàn thế giới lên tới 8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU chiếm từ 1,9 - 2,2 tỷ USD và sang Mỹ khoảng 350 - 400 triệu USD mỗi năm.
Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản Việt Nam cùng VASEP đã yêu cầu tất cả các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp hành động tuân thủ các chính sách liên quan đến việc đánh bắt và phát triển tàu cá. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Thủy sản sửa đổi trong đó có các nội dung quy định về vấn đề IUU.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ và loại trừ đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát. Hơn 62 công ty sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam cũng đã nghiêm túc thực thi nhằm đảm bảo các hoạt động đánh bắt cá bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chỉ thị, quy định, bao gồm cả việc bổ sung các quy định liên quan đến vấn đề IUU vào các văn bản pháp quy để thực thi, tổ chức các cuộc hội thảo nhằm giáo dục ngư dân đồng, thời tăng cường hợp tác với các quốc gia ven biển khác để ngăn chặn IUU, thường xuyên tổ chức đối thoại với EU nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá.
Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, cả 10 quốc gia Đông Nam Á đều đang đối mặt với IUU. Có tới 60% số quốc gia thành viên ASEAN là những nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Xuất khẩu thủy sản đã tạo ra hơn 100 triệu việc làm cho tổng dân số hơn 600 triệu dân, trong đó có hơn 10 triệu là ngư dân.
Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long-Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN |
Châu Á có khoảng 3,5 triệu tàu cá, chiếm khoảng 75% lượng tàu cá trên toàn thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi khu vực trở thành điểm nóng với các hoạt động đánh bắt cá vi phạm cùng sự gia tăng các hoạt động cạnh tranh đối với các nguồn tài nguyên biển tại đây.
Việt Nam đã và đang giải quyết vấn đề IUU một cách chủ động, bao gồm cả việc thành lập bộ phận thanh tra kiểm soát các hoạt động đánh bắt cá với sự tham gia của nhiều thành viên nguyên là thuyền trưởng các tàu cá.