Vì sao giá vàng phi mã?
Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đã bứt phá mạnh mẽ trong khoảng hai tuần trở lại đây. Kim loại quý đã lần lượt chinh phục các mốc 37 triệu đồng/lượng rồi vọt lên trên 39 triệu đồng/lượng và tiến sát mốc 40 triệu đồng/lượng vào ngày 25/6. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2013.
Nhân tố hỗ trợ chính cho giá vàng trong nước là tốc độ bứt phá của giá vàng thế giới khi nhà đầu tư đi tìm "hầm trú ẩn an toàn" trong bối cảnh kinh tế, chính trị có nhiều biến động.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới.
Vị chuyên gia này phân tích, giá vàng thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất và bỏ khả năng có thể sẽ giảm lãi suất trong thời gian sắp tới. Động thái này khiến giá trị đồng USD suy giảm và từ đó đẩy giá vàng lên. Đó là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá vàng thế giới tăng và kéo theo vàng trong nước cũng tăng.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra nhiều biến động về thương mại, đầu tư, kinh tế trên toàn cầu. Tại thời điểm này cuộc chiến ngày càng trở nên căng thẳng. Vì vậy, giá trị đồng USD bị ảnh hưởng. Khi giá trị đồng USD giảm, người ta đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn.
Nguyên nhân tiếp theo khiến giá vàng tăng là do khủng hoảng chính trị. Tổng thống Trump ngày 24/6 đã áp các lệnh trừng phạt mới lên Iran theo sau sự việc Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, đồng thời cho biết các biện pháp này sẽ nhắm vào Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Theo người phụ trách chiến lược thị trường của CMC Markets, những dự đoán về khả năng hạ lãi suất, đồng USD xuống giá và những căng thẳng tại Trung Đông đang tạo môi trường lý tưởng cho giá vàng tăng. Giá vàng vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, đã tăng hơn 8% giá trị trong tháng 6.
Vì sao không hấp dẫn?
Thực tế thị trường vàng trong nước cho thấy, giá vàng bật tăng mạnh nhưng nó không còn hấp dẫn đối với người dân. Giao dịch chủ yếu trên thị trường là động thái mang vàng đi bán, lượng mua vào không nhiều. Người dân dường như đã "tỉnh táo" hơn sau những cơn sốt vàng ở những năm trước.
Ông Phạm Hải Âu, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phú Quý cho biết, mấy ngày gần đây mặc dù giá vàng tăng và khách đến giao dịch đông hơn nhưng chủ yếu là bán ra. Không còn tình trạng đổ xô đi mua vàng và đặc biệt không xuất hiện bóng dáng các nhà đầu cơ.
Chị Giang ở Hà Nội từng là một nhà đầu tư vàng ở thời điểm những năm 2011- 2013. Chị đã từng thành công nhiều vụ "lướt sóng" ở giai đoạn này. Những ngày gần đây, chị Giang tiếp tục nghe ngóng và không mặn mà lắm với kim loại quý.
Chị Giang chia sẻ, khi giá vàng mới chỉ có sự tăng đột biến mà chưa thực sự đi theo xu hướng nhất định cũng như phản ánh đúng nhu cầu cung cầu của thị trường, rất dễ dẫn đến tình trạng vàng bị giảm giá đột ngột. Vì thế, nếu không tỉnh táo xem xét và chỉ chạy theo tâm lý đầu tư theo đám đông sẽ có nguy cơ bị thua lỗ trong ngắn hạn. Hơn nữa với những chính sách của nhà điều hành trong nước, vàng đã mất đi "ngôi vị" của mình.
Chị Giang phân tích thêm, tích trữ hoặc đầu cơ vàng trong những năm gần đây coi như để "tiền chết". Bởi lẽ vàng "lình xình" suốt một thời gian dài. Nếu với số tiền đó mang gửi tiết kiệm sẽ lời hơn nhiều.
Theo Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji trong bối cảnh giá vàng thế giới leo thang do kết hợp từ nhiều kênh thông tin chính sự, giá vàng trong nước cho thấy đà tăng bứt tốc, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua. Với sự tăng giá mạnh đột biến, nhà đầu tư vàng trong nước nên thận trọng nhận định, nắm bắt kịp xu hướng để có chiến lược đầu tư hiệu quả nhất.
Thực tế cũng đã chứng minh, có lợi nhất trong những "cơn sốt" vàng không ai khác chính là giới kinh doanh vàng. Mỗi lần thị trường có biến động, các nhà vàng thường nới rộng khoảng cách giữa mua và bán để đảm bảo sự an toàn. Những ngày gần đây, chênh lệch giữa mua và bán được các nhà vàng nới rộng từ 300.000 - 700.000 đồng/lượng, trong khi ngày thường con số này vào khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lượng.
Nhìn lại những năm 2011 - 2013, giá vàng đã có thời điểm ở mức đỉnh gần 50 triệu đồng/lượng, nhưng ngay sau đấy kim loại quý đã có thời điểm rơi xuống 31 - 32 triệu đồng/lượng. Diễn biến này cho thấy, "chơi" vàng không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, với quyết tâm chống vàng hóa nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, mấy năm gần đây việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã không còn; việc huy động, cho vay vốn bằng vàng hoàn toàn chấm dứt. Tập quán sử dụng vàng làm thước đo giá trị cũng dần thay đổi. Điều đó đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Đó cũng chính là căn nguyên khiến kim loại quý không còn hấp dẫn người dân và là câu trả lời cho câu hỏi vì sao thị trường vàng trầm lắng suốt thời gian qua.